Đại diện các kiểu gia đình như vậy đã có dịp chia sẻ, bộc lộ tiếng nói của mình trong hội thảo "Ở đâu có yêu thương, nơi đó là gia đình", diễn ra hôm qua tại Hà Nội, nhân kỉ niệm Ngày Gia đình Việt Nam.
Thành viên của một gia đình đồng tính bày tỏ: "Ở nước ta, nhiều người gọi chúng tôi bằng cái tên thế giới thứ 3 nhưng trên thế giới không phân biệt đâu là thứ nhất, thứ hai, thứ ba cả. Tất cả mọi người chung một thế giới mà ở đó con người sống yêu thương nhau".
Thành viên này cho rằng, người đồng tính là một lẽ tự nhiên và là một sự đa dạng trong xu hướng tính dục của con người. Sự khác biệt nhưng không dị biệt này chưa được xã hội chấp nhận nên dẫn tới sự sống chung của người đồng tính không được coi trọng, bảo vệ. Chưa nói những vấn đề đâu xa, chỉ đơn giản một trong hai người đồng tính đi viện thì người con lại - gần gũi nhất - lại không được bảo hộ cho người kia. Hạnh phúc của họ vì thế càng trở nên mong manh, dễ vỡ.
Là bà mẹ đơn thân, chị Phùng Thị Hậu (Ba Vì, Hà Nội) cho biết chị là một người khuyến tật vốn khó khăn tìm kiếm tình yêu, khi có con thì không được người cha thừa nhận. Nhưng chị không từ bỏ, vẫn cố gắng vươn lên làm kinh tế, bù đắp nhiều hơn sự thiếu hụt về tình cảm cho con. Giờ bé Vũ Nam con chị đã lớn, vừa học, vừa phụ giúp mẹ. Chị cũng trở thành Phó chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Ba Vì, có đủ sức mạnh giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Chia sẻ về gia đình đa huyết thống, Hải (sinh viên năm 3 Đại học Kinh doanh và Công nghệ) kể, trước khi đến với bố Hải, mẹ cậu của đã có gia đình và 2 con. Hai người lấy nhau sinh ra cậu. Rồi sau đó vì nhiều lý do nên bố và mẹ Hải chia tay. Bố cậu lấy mẹ kế. Mẹ kế ngoài 2 người con riêng với chồng trước lại có thêm với bố Hải một bé gái nữa.
"Mọi người cứ hỏi em là con thứ mấy trong gia đình, em cũng chẳng biết trả lời sao nữa. Đó là sự đặc biệt trong gia đình em - một gia đình có nhiều thành viên, các thành viên không chung dòng máu, không được sống với nhau từ ấu thơ - nhưng khi về nhà là em thấy được yêu thương", chàng sinh viên chia sẻ.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều sự đa dạng của hình thức gia đình vốn đã âm thầm tồn tại trong xã hội Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên, những dạng thức này vẫn bị xem là khác thường, lệch chuẩn so với cái chuẩn số đông là gia đình một vợ một chồng truyền thống.
Bà Nguyễn Hồng Mai (nguyên giảng viên môn Văn hóa Gia đình, Đại học Văn hóa) cho rằng, sự đa dạng của các mô hình gia đình chẳng qua chỉ là sự đáp ứng tự do cá nhân ngày càng lớn của con người.
Quan niệm về gia đình đã ăn sâu vào vô thức người Việt Nam là hình mẫu quan hệ hôn nhân giữa một người đàn ông và đàn bà, cùng sinh ra con cái, làm việc, cùng sống dưới một mái nhà. Vì thế mà cho những dạng thức khác liền bị xem là khác biệt. Nhưng với xu thế phát triển tự do cá nhân hiện nay thì một mặt muốn có gia đình vì gia đình an toàn, một mặt muốn tự do cá nhân, cho nên con người sẽ tìm kiếm một mô hình gia đình sao cho giảm thiểu được ít nhất mâu thuẫn trên.
Cũng vì thế mà các mô hình gia đình bố/mẹ đơn thân, ông/bà cháu, gia đình người đồng tính, gia đình người khuyết tật, người có HIV hay các gia đình đa huyết thống, đa sắc tộc, gia đình xuyên biên giới... đơn giản chỉ là “mỗi kiểu loại gia đình, mỗi lối đi kiếm tìm hạnh phúc”.
"Suy cho cùng, các dạng thức gia đình khác nhau chỉ là cách mỗi cá nhân tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Và chắc chắn mô hình gia đình sẽ còn thay đổi. Nó sẽ phát triển theo hướng vẫn dựa trên truyền thống nhưng sẽ theo nghĩa càng ngày gia đình càng tạo tự do hơn cho cá nhân. Sự ràng buộc sẽ không còn do luật pháp mà do thỏa ước cá nhân", giảng viên Hồng Mai bày tỏ.
Bàn về những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình này, chuyên gia Hồng Mai cho rằng mô hình gia đình không phải là yếu tố quyết định nhân cách trẻ em. Con cái trong một gia đình "khuyết" không có nghĩa là sẽ không phát triển tốt được như con cái của những gia đình bình thường mà "việc hình thành nhân cách trẻ phụ thuộc vào chất lượng môi trường sống chứ không phụ thuộc vào việc có đầy đủ bố mẹ hay không", chuyên gia về văn hóa gia đình nói.
Cụ thể, với gia đình đồng tính hai người bố, hai người mẹ, nhân cách của một đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ khác thường này, trừ khi mối quan hệ đó không bền vững, không hạnh phúc, đứa trẻ không yêu được yêu thương - một nguy cơ tiềm ẩn ở mọi kiểu gia đình. Sống trong các gia đình đồng tính hạnh phúc, thậm chí nhân cách đứa trẻ còn tốt hơn vì nó sẽ không phải chứng kiến mất bình đẳng giới như kiểu gia đình truyền thống.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng thừa nhận, sống trong các gia đình này đứa trẻ sẽ phải chịu sự kỳ thị thì cộng đồng. Các kiểu gia đình này cũng phải rất khó khăn để duy trì hạnh phúc. "Dù khác biệt đến đâu thì gia đình nào cũng luôn tồn tại mâu thuẫn đòi hỏi mọi thành viên phải cố gắng. Một phút ngơi nghỉ, lơi lả thì ắt hẳn mâu thuẫn sẽ phát sinh, hạnh phúc sẽ bị đe dọa", giảng viên này nói.
Phan Dương