Ngày... tháng... năm
Ngày bố đi là một buổi sáng mưa phùn. Mẹ vừa đưa bố ra khỏi cổng, mấy đứa con đã khóc nức nở vì thương nhớ bố. Trước khi đi bố còn xoa đầu chúng con và bảo: “Mấy đứa ở nhà ngoan, nhớ nghe lời mẹ. Bố đi kiếm tiền, Tết sẽ về mua áo mới cho các con”. Vậy mà, nhiều mùa xuân năm ấy chẳng thấy bố đâu.
Nơi đất khách quê người, bố đón Tết trong căn phòng trọ. Bố nói tiền vé xe bằng cả tháng lương nên xót quá, đành “nhịn” Tết quê. Không có bố, ngôi nhà cũng chẳng được khoác lên màu áo mới, không khí cũng trở nên buồn bã, ảm đạm và trống vắng.
Cứ hai tháng, bố đều gọi điện báo đã gửi tiền về cho mấy mẹ con là một lần mắt mẹ lại đầy nước mắt. Những lúc ấy, mẹ lại bước ra ngoài hiên nhà ngước mặt lên trời rồi khua tay nói: “Nhà nào mở nhạc mà nghe buồn thế bây”.
Ngày... tháng... năm
Một buổi trưa mùa đông, mẹ đi làm đồng về mệt nên chỉ chào hỏi mấy đứa con ngắn gọn, không muốn ăn cơm. Mẹ thay đồ lên giường nằm. Đúng lúc đó, ầm một tiếng, bát mì tôm trong chăn làm bẩn hết giường. Mẹ hét lớn: “Mấy đứa đâu rồi”. Mẹ liền cầm cái roi chạy ra ngoài đánh anh cả đang ngồi chơi một trận.
Anh vừa khóc vừa nói: "Ít cơm nguội buổi sáng đã ăn hết, đến trưa không thấy mẹ mua gạo nên tụi con đi tìm đồ ăn. Con tìm thấy một gói mì tôm ở trong tủ bếp. Con pha vào bát tô lớn đựng nhiều nước để húp được no. Vì chỉ có 2 gói, con đã chia thành 2 bát. Một bát mấy anh em ăn, phần còn lại con để dành cho mẹ. Sợ mì nguội nên con mang vào giường ủ trong chăn đợi mẹ về ăn cho nóng. Con mải chơi đồ chơi mới mượn được của bạn nên khi mẹ về đã quên không nói".
Còn tôi đứng run run ở góc hè khóc, sợ bị đánh đòn nên tôi la lớn: “Mẹ ơi! con nhớ bố”. Đứa em út đứng cạnh cũng òa khóc theo. Mắt mẹ rưng rưng như cũng muốn khóc. Mẹ khụyu chân xuống, nắm tay anh cả và nói: “Mẹ xin lỗi, con vào nhà đi”. Vừa nói dứt lời, mẹ bước nhanh ra nhà tắm mở vòi nước, mẹ ngồi khóc. Kể từ đó, mẹ không bao giờ đánh đòn chúng tôi nữa.
Ngày... tháng... năm
Chiều 26 Tết năm Nhâm Ngọ, bất ngờ bố gọi điện về. Mẹ bắt điện thoại nghe và thốt lên: “Anh đang trên xe về rồi à”. Nghe tin bố về, anh tôi đang nấu cám lợn từ dưới bếp vội vàng chạy lên. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt anh. Tôi đang lọ mọ rửa ấm chén ngoài giếng cũng ngừng tay vội vã chạy vào. Cái không khí ảm đạm hàng ngày ám ảnh những ngày Tết mấy năm nay ở gia đình tôi bỗng nhiên mất hút, thay vào đó là niềm hạnh phúc vỡ òa ở mọi người.
Nghe điện thoại của bố xong, mẹ cười nói: “Không có gì thay đổi thì ngày mai bố về đến nơi”. Anh em tôi vui quá nhảy cẩng lên khắp nhà. Đêm hôm ấy vui quá, chúng tôi thức đến khuya mới ngủ. Anh em tôi lúc nào lúc hỏi: “Bố đi xe đến đâu rồi mẹ”. Mẹ xoa đầu mấy đứa nói: “Ngủ đi, trưa mai bố đến nhà rồi”.
Trưa ngày 27 không thấy bố về, anh em tôi lại hỏi: “Mẹ ơi! Sao bố lâu về vậy?”. Nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt mẹ, bất ngờ chuông điện thoại reo lên. Mẹ đến bắt máy, anh em tôi cũng chạy theo. Ở đầu dây bên kia, giọng bố lanh lảnh vọng về. Bố nói: “Xe bị hỏng, anh mượn điện thoại gọi báo cho vợ con đỡ lo. Khoảng chập tối em lấy xe đạp ra thị trấn đón anh nhé”.
Biết bố an toàn, mẹ khấn khởi quá bảo anh cả bắt con gà làm thịt sẵn chờ bố về ăn. Còn tôi, vội đi lấy cây chổi quét lại nhà cửa, sân vườn sáng choang. Đứa em út, chạy sang nhà hàng xóm xin được mấy cây cúc vàng cũng về trồng vào bồn bỏ trên thành sân cho đẹp để đón bố.
17 giờ, bố gọi điện báo về đến thị trấn. Mẹ tôi vội vã lấy chiếc xe đạp, cùng cái áo khoác phòng bố xuống xe bị lạnh, rồi chạy đi đón. Khi thấy bố mẹ vừa về đến cổng, chúng tôi chạy ùa ra ôm chầm lấy bố. Vui sướng quá nước mắt bố trào dâng, vì nhớ con sau bao năm xa cách. Mẹ nhìn bố, bố nhìn chúng tôi, rồi cả nhà nhìn nhau òa cười mà ai cũng ứa nước mắt.
Ngày... tháng... năm
Thời gian trôi đi, nợ nần gia đình tôi cũng đã trả hết. Tóc bố đã có nhiều sợi bạc, mắt mẹ cũng hiện rõ nhiều vết chân chim. Chúng tôi cũng trưởng thành. Anh trai tôi giờ đã lập gia đình và có con nhỏ chuẩn bị vào lớp một. Còn tôi vừa tốt nghiệp ra trường, đang làm việc ở TP HCM. Kỷ niệm quê hương đong đầy nỗi nhớ. Ở xứ người con rất nhớ mẹ cha.
Đình Hùng
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.