Trên cơ sở phương án giá mà Bộ Tài chính thẩm định và trình, Thủ tướng quyết định. Cơ quan này cho rằng việc tăng giá điện từ 1/3 tới là không thể tránh khỏi, vấn đề là Thủ tướng sẽ chọn phương án tăng giá nào.
Tăng giá điện từ 1/3. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này về cơ bản cũng thống nhất với phương án giá của Bộ Công Thương, với mức tăng khoảng 18%.
Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng phương án giá, Bộ Công Thương mới tính toán các mức tăng trên cơ sở tỷ giá là 21.500 đồng cho mỗi USD. Do vậy, các phương án mà cả Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công Thương trình đều bị xem là lạc hậu, cần phải tính toán lại theo tỷ giá của ngân hàng thương mại là 21.900 đồng một USD.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phải tiến hành rà soát lại tất cả các khoản chi phí đầu vào, nguồn điện mua ngoài, giá trị tài sản, vay nợ... để đưa ra phương án cuối cùng. Trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ đánh giá tác động của việc tăng giá điện tới các mặt hàng.
Ông này nhẩm tính nếu giá điện tăng khoảng 18%, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng trực tiếp khoảng 0,45%. Trong đó, ngành sản xuất thép, sản xuất xi măng, phân bón... sẽ chịu tác động nhiều nhất.
Theo phương án do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đề xuất, giá điện năm 2011 sẽ có 3 mức tăng căn cứ vào giá than, tỷ suất lợi nhuận trước thuế, chi phí phát điện, tỷ giá... Trong đó, mức tăng cao nhất theo đề xuất là 40,8%, mức thấp nhất 18,3% và mức còn lại khoảng 24,69%. Về phía Bộ Công Thương - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án chính thức để lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan này cũng đề xuất 3 phương án tính giá điện năm 2011, với mức tăng 26,3 %, 18,03% và 30,3 %.
Trong 3 phương án đưa ra, Bộ Công Thương kiến nghị chọn phương án 2, giá điện bình quân năm 2011 bằng 1.271 đồng mỗi kWh, với tỷ lệ tăng 18%.
Chiều nay, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ họp bàn và chốt phương án giá cuối cùng. Hai ngày nữa, đề án giá điện này sẽ được trình Thủ tướng trong cuộc họp thường trực Chính phủ.
Hồng Anh