Mồ côi mẹ từ rất sớm, lại sống xa bố, thế nhưng Tuấn học rất giỏi với ý định mai này lớn lên sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh giúp mọi người. Thế nhưng đã rất lâu rồi em chưa được đón về nhà, bố chỉ gọi điện hỏi vài câu nhưng không xuất hiện. "Mỗi khi các bạn được người thân đến đón về, con ở lại buồn lắm. Con chỉ ước có một gia đình với ba mẹ. Con ước được nhìn thấy mặt mẹ", cậu bé lặng lẽ thổ lộ.
Trong khi trẻ thơ khắp nơi đón ngày 1/6 với đầy ắp quà tặng của bố mẹ và người thân, thì những em nhỏ ở nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, nghèo, cơ nhỡ này có rất nhiều tâm tư. Không mong quà bánh, cũng chẳng ước ao điều gì xa xỉ, các em chỉ mơ đến tình yêu thương và vòng tay âu yếm của bố mẹ. Thế nhưng điều ấy thậm chí cũng quá xa vời.
![]() |
Ông Phil Maclaurin (người Anh) là một mạnh thường quân của Chương trình Bạn trẻ em đường phố 3 năm qua. Phil đang bế hai em nhỏ ở Trung tâm phát huy Bình Triệu hôm 31/5. Ảnh: Vũ Lê. |
Được trung tâm cưu mang 3 năm, cô bé Nguyễn Thiên Ân, 11 tuổi, học lớp 4 nổi tiếng trong đám bạn đồng trang lứa vì thành tích luôn được điểm 10 và là học sinh giỏi. Thế nhưng Ân chỉ có niềm mong mỏi duy nhất là được đoàn tụ với gia đình gồm: bố, mẹ và ba người anh em của mình. "Con mong ước ngày 1/6 được bố mẹ chở đi chơi như các bạn khác", cô bé thủ thỉ. Ân thích nhất mùa hè, vì lúc đó 6 người trong gia đình có dịp hiếm hoi được quây quần bên nhau vài ngày. Rồi cả nhà lại phân ly đi tứ xứ làm ăn, kiếm sống.
Dè dặt với người lạ và bị tật một bên mắt, bé Nguyễn Thị Nga, 8 tuổi, về sống ở mái ấm được 4 năm nhưng tâm hồn em vẫn ngập tràn kỷ niệm về mẹ. Nga miêu tả, mẹ em 37 tuổi, còn trẻ, rất đẹp, tóc dài nhưng phải làm rẫy vất vả ở Đăk Nông. Quá cực khổ, người mẹ phải gửi con vào trung tâm để được rảnh tay mưu sinh. "Con muốn được ở với mẹ và giúp làm rẫy để mẹ bớt khổ", cô bé nói với đôi mắt long lanh.
Theo các nhân viên xã hội tại Trung tâm phát huy Bình Triệu, gia cảnh của Nga rất nghặt nghèo, bố mất sớm, gia đình có người thân bị bệnh, mẹ em vì hoàn cảnh khó khăn đành gửi em vào mái ấm để con gái được đến trường. Em hỏng một bên mắt do bị bệnh ở Đăk Nông nhưng không được chữa trị kịp thời, có nguy cơ bị hỏng một bên mắt còn lại nếu không được quan tâm chăm sóc và thăm khám định kỳ. Điều ước của Nga chỉ giản dị là "mong cho mẹ bớt khổ".
![]() |
Các em ăn trưa tập thể ngày 31/5. Ảnh: Vũ Lê. |
Với những trường hợp trẻ bị bỏ rơi, giấc mơ về mái nhà có đầy đủ bố mẹ gần như là xa xỉ. Và các em học cách quên điều đó thay vì ước mơ. Gầy yếu, xanh xao, và nhỏ hơn những bạn cùng trang lứa, Hồ Văn Nguyên, 11 tuổi, chỉ mới học lớp 3. "Con không có nhà để về những ngày lễ tết hay nghỉ hè. Con buồn nhưng vẫn còn có niềm vui vì được ở cùng các cô", cậu bé thì thầm nói khi được hỏi mong ước điều gì cho ngày Quốc tế thiếu nhi.
Giám đốc Trung tâm phát huy Bình Triệu Bùi Thị Hồng Hạnh cho biết: "Tôi đã làm việc tại trung tâm này được 11 năm, chứng kiến rất nhiều mảnh đời cơ nhỡ của các em. Song chúng tôi chỉ biết yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ để bù đắp thiếu thốn tình cảm cho các cháu chứ không thể thay thế bố mẹ được".
Để giúp các bé học văn hóa, trung tâm tổ chức các lớp dạy học miễn phí suốt các ngày trong tuần. Từ mẫu giáo đến lớp bốn, mỗi khối có 2 lớp, riêng lớp 5 chỉ có một lớp. Tuy nhiên, sĩ số lớp vào cuối năm thường giảm xuống vì dân nhập cư có đời sống bấp bênh, hay di chuyển chỗ ở, dẫn đến các cháu bỏ học.
Các em ở lại trong mái ấm đa phần là không có gia đình hay người thân. Có nhiều em ra đời do bố mẹ lầm lỡ không nuôi nấng nổi, hoặc bị bỏ rơi. Tuy nhiên, vẫn có những em còn bố mẹ nhưng gia đình không quan tâm chăm sóc. "Nếu trung tâm không đón nhận để các em được đến trường thì các em sẽ đứng trước nguy cơ bị mù chữ hoặc trở thành tệ nạn của xã hội", bà Hạnh nói.
Trung tâm cưu mang trẻ nhỏ nhất là 3 tuổi, lớn nhất đang học lớp 12, tức 18 tuổi. Sau khi học xong lớp 12 các em sẽ ra ngoài tự lập hoặc chuyển sang lưu xá của trung tâm. Thời gian ra ngoài ban đầu, các em vẫn được hỗ trợ và chuẩn bị những khoản tiền tiết kiệm làm hành trang vào đời.
Mùa hè hoặc trong các ngày nghỉ, trung tâm nhận hàng về để các em gái thêu thủ công kiếm thêm thu nhập. Số tiền từ công việc này được xem là khoản tiết kiệm riêng của các em. Có em không học được thì làm tạp vụ, được ăn uống miễn phí và được trả lương. Khoản tiền tích lũy này để phòng hờ khi các em trưởng thành, ra ngoài sinh sống có chút vốn phòng thân. Hiện có những em đã tích lũy được sổ tiết kiệm 4-5 triệu đồng.
Lễ Tết, những em có gia đình được người thân đón về nhà sum họp vài ngày. Những em không còn nơi để về sẽ ở lại trung tâm. "Thiếu thốn vật chất có thể bù đắp được nhưng thiếu thốn tình cảm gia đình trở thành nỗi mặc cảm rất khó sẻ chia. Chính vì vậy, lo cho các em việc ăn uống, học hành không thôi chưa đủ mà cần dành cho trẻ tình yêu thương", bà Hạnh tâm sự.
Vũ Lê
* Tên nhân vật đã được thay đổi