Đã thành lệ, hằng năm, cứ vào dịp cận Tết Nguyên Đán, ông Soi lại thu xếp từ xứ sở hoa anh đào về Việt Nam. Đây là dịp ông dẫn những người bạn Nhật đi thăm các Trung tâm cưu mang trẻ em đường phố ở Sài Gòn. Sau đó, ông lại xuôi về miền Tây dự lễ khánh thành cầu của nhóm Việt kiều tặng quê hương.
Hơn nửa đời người làm công tác xã hội, ông Soi chia sẻ với VnExpress.net: "Tôi tin mỗi người đều có sẵn tình thương trong tim mình nhưng chưa có dịp thể hiện, sớm hay muộn dịp tốt lành ấy sẽ đến trong một ngày không xa".
Khi còn ở Việt Nam, có 20 năm làm tu sĩ, ông từng hành nghề viết báo, chụp ảnh. Từ năm 1984, ông làm thêm công việc chụp ảnh tiệc tùng, cưới hỏi, lễ lộc để dành tiền làm việc thiện giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thời đó, ông mở cùng lúc 4-5 lớp học tình thương tại những miếu thờ trên địa bàn TP HCM dạy chữ miễn phí. Thế nhưng, đến năm 1985 hết kinh phí, lớp học đóng cửa. Chương trình Bạn trẻ em đường phố chùng xuống một nốt trầm.
Song, ngọn lửa từ tâm vẫn âm ỉ cháy trong ông, năm 1989, Trung tâm phát huy Tân Định tiếp tục ra đời. Thời đó, cứ tầm 2-3h sáng ông lại ra chợ Tân Định tìm các em nhỏ. Thường thì có em ngủ vùi trên những thớt thịt lợn, có em lăn lóc trong lòng chợ, cũng có đứa ngủ lay lắt bên hiên nhà phố hoặc vây quanh những nồi bánh canh khuya để kiếm ăn. "Tôi tìm và rủ các em về Trung tâm phát huy sinh sống, học chữ, học nghề, học đạo đức làm người", ông kể.
Với ông Soi, người đời có thể kỳ thị trẻ bụi đời dơ bẩn, nghịch phá, không học hành, không tương lai... Thế nhưng ông lại nhìn thấy dù hoàn cảnh khó khăn các em vẫn nỗ lực bươn chải kiếm sống.
Năm 1991-1992, được đề nghị ra nước ngoài học về ngành công tác xã hội, ông Soi đi Pháp 2 năm, vận động được nhiều bạn bè Pháp quyên tiền giúp trẻ em trong nước. Nhờ nhiều năm làm công tác xã hội một cách vô tư, minh bạch về tài chính, các đối tác tin tưởng giao nhiều đề án cho ông thực hiện.
![]() |
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân bắt tay kiều bào Nhật, Thomas Soi tại cuộc họp mặt kiều bào mừng xuân Tân Mão của thành phố. Ảnh: C.C. |
Đến năm 1994, ông Soi không làm tu sĩ, cũng thôi làm báo, lập gia đình với cô Yoshii Michiko, người Nhật. Từ đó, ông tranh thủ sự ủng hộ của người Nhật, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xứ Phù Tang giúp trẻ em nghèo Việt Nam. Năm 1993-1997 ông điều hành 9 trung tâm phát huy giúp trẻ em đường phố dù phải di chuyển nhiều nơi trên thế giới. Tổng số các em đang được các trung tâm phát huy cưu mang cứ thế đông dần, từ vài trăm lên đến 1.600 em.
Ông Soi tâm sự, ông làm công tác xã hội vì thấy phân bố thu nhập trên thế giới không đồng đều. Bắc bán cầu có thu nhập cao còn Nam bán cầu thu nhập lại rất thấp. Chính vì vậy, ông cố vận động các nước ở Bắc bán cầu chia lại một phần thu nhập của họ cho Nam bán cầu, trong đó có Việt Nam.
![]() |
Vợ chồng ông Thomas Soi và hai con chụp ảnh bên chiếc cầu gia đình ông trao tặng làng quê Việt Nam. Ảnh: V.K. |
Không dừng lại ở việc giúp trẻ em nghèo, ông còn tặng 3 cây cầu cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2008, ông chính thức làm đại diện của nhóm Việt kiều tại Nhật kêu gọi mọi người góp sức xây cầu giúp Việt Nam.
Vị kiều bào già không ngại kể chuyện gia đình ở Nhật với VnExpress.net: "Từ nhỏ đến lớn tôi đều không có lương riêng cho mình, vì chỉ toàn tâm toàn ý dốc tiền kiếm được vào công tác xã hội. Tôi may mắn có tài sản gia đình để lại nên chuyên tâm làm việc thiện".
Mọi việc trong gia đình, ông và vợ cùng chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Ông có hai con, cô gái 16 tuổi, cậu con trai 10 tuổi đều rất thích công tác xã hội. Các cháu mong muốn lớn lên sẽ nối tiếp chương trình giúp trẻ em đường phố của bố.
Ánh mắt người bố sáng ngời lên khi kể về hai thiên thần nhỏ của mình, ông Soi thổ lộ: "Hai đứa con của tôi ở Nhật nhưng rất yêu Việt Nam, cháu nói tiếng Việt với tôi hàng ngày. Vì ở xa không thể trực tiếp giúp quê cha đất tổ, hai cháu để dành tiền tiết kiệm rất lâu để tặng một cây cầu ở tỉnh Vĩnh Long".
![]() |
Con gái và con trai của ông Thomas Soi bỏ tiền tiết kiệm tại Nhật để tặng cây cầu bê tông cho quê hương Việt Nam. Ảnh: T.L. |
Kiều bào Thomas Soi bộc bạch, với ông, cây cầu là tình nghĩa của người con ở phương xa trở về, có chút quà gửi tặng ông bà, cha mẹ, anh em. "Với người tặng cầu, tưởng là cho đi nhưng thật ra họ đang nhận lại vì được tận hưởng những tình cảm tốt đẹp của mọi người. Riêng tôi thấy lòng mình rung động, vui sướng vô cùng", ông nhận xét.
Thời gian tới, ông cho biết mỗi năm sẽ tiết kiệm tiền tặng một cây cầu cho làng quê Việt Nam. Bởi lẽ, nếu muốn kêu gọi người khác làm theo, ông phải hành động trước. "Tôi muốn vận động người Nhật giúp Việt Nam, việc đầu tiên tôi phải hết lòng hết sức giúp quê hương mình", ông giải thích.
Trên những chuyến bay của ông Soi từ Nhật về Việt Nam, hành lý cá nhân thường không có gì. Tất cả những thứ lỉnh kỉnh ông mang về nước đều là quần áo cho các trẻ em đường phố. Những người bạn Nhật vô tình chứng kiến hành lý của ông quá giản đơn đã bật khóc. Họ kinh ngạc không hiểu nổi tại sao thời buổi này lại còn có những người say sưa đi lo chuyện xã hội đến thế. Từ lần đó, mỗi khi ông Soi đi bán hàng quyên tiền cho các em đường phố Việt Nam tại Nhật, những người bạn nước ngoài ấy luôn giúp đỡ hết mình mà không nề hà bất cứ điều gì.
Chia sẻ với VnExpress.net, ông Soi tâm đắc cho rằng, mỗi Việt kiều ở hải ngoại là một sứ giả giới thiệu về phong tục, tập quán, tình yêu quê hươngViệt Nam với nước bạn. Kiều bào sống hài hòa ở nước ngoài nhưng đồng thời cũng phải tận lực lưu giữ tâm tình, văn hóa Việt Nam.
Hà Thanh