Ngày 9/11, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, cho biết bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khối u chưa di căn, chưa thấy hạch. Ông có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, đi khám vì tưởng bị viêm họng, không nghĩ mình mắc ung thư. Người bệnh được chỉ định nhập viện, điều trị hóa chất kết hợp xạ trị, tiên lượng khá tốt.
Trường hợp khác, nam, 47 tuổi cũng nghiện thuốc lá. Anh đi khám do có khối u hạch bên trái, khoảng ba phân, có dấu hiệu vỡ mủ. Người bệnh nội soi, sinh thiết, phát hiện mắc ung thư vòm họng, đã di căn hạch cổ. Theo bác sĩ, bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, song hiệu quả điều trị rất lạc quan.
Ung thư vòm đứng thứ 6 trong số các ung thư hay gặp ở nam giới và đứng thứ 9 trong số các ung thư hay gặp ở nữ. Đây là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm - phần cao nhất của hầu họng ngay phía sau mũi, còn gọi là họng mũi (hầu họng có ba phần, gồm họng mũi, họng miệng, họng thanh quản).
Bệnh hay gặp ở nam giới, tỷ lệ gấp hai đến ba lần ở nữ. Tuổi mắc bệnh thường khá trẻ, thậm chí có đến 10% trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư vòm khá cao.
Các yếu tố tăng khả năng phát triển bệnh như uống rượu, hút thuốc lá, nhiễm virus mạn tính, chế độ ăn uống ít chất xơ, trong gia đình có người bị ung thư vòm họng thì người thân của họ có nhiều khả năng mắc loại ung thư này hơn.
Những nguy cơ khác là tình trạng suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm trong nghề nghiệp như phóng xạ, vệ sinh miệng kém, làm việc ở nơi có nhiều bụi gỗ hay hóa chất formaldehyde...
Giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện rất mơ hồ, kín đáo và dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác, nhất là bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Các triệu chứng thường xuất hiện ở một bên hay một vị trí, sau đó tăng dần. Cụ thể như nổi hạch cổ, thường ở vị trí góc hàm, nghe kém, ù tai, đau sâu trong tai, chảy dịch. Nhiều bệnh nhân ngạt tắc mũi một hoặc hai bên, chảy máu mũi dai dẳng, điều trị nội khoa không đỡ. Các triệu chứng khác như đau nửa mặt hoặc đau họng, đau đầu hoặc đau nửa đầu, đau xương, gãy xương...
Để phát hiện ung thư vòm, bác sĩ nội soi tai, mũi họng để quan sát, đánh giá vị trí tổn thương, hình dạng, kích thước, mức độ lan rộng của bệnh và sinh thiết giúp chẩn đoán khẳng định bệnh. Ngoài ra, bác sĩ khám hạch cổ để phát hiện tổn thương.
Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng sống thêm 5 năm đạt 80-90%. Tuy nhiên, 90-97% người bệnh ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khối u di căn, tổn thương nặng nề.
Bác sĩ khuyến người dân nên hạn chế ăn uống các thực phẩm lên men như rượu bia, cá muối, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamine. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi.
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 2-3 lần mỗi tuần giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, duy trì cân nặng phù hợp, tinh thần thoải mái. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư.
Ngoài ra, ung thư ngày càng trẻ hóa nên độ tuổi tầm soát một số loại ung thư cũng sớm hơn trước đây. Người bệnh cần thăm khám nội soi tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần. Gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư cần khám sức khỏe định kỳ để điều trị sớm nếu không may mắc bệnh.
Minh An