Việc đám đông kéo đến nhà trả thù người đàn ông đạp nữ sinh hay chuyện nghệ sĩ đi hỏi tội gymer ồn ào thời gian qua là hệ quả tất yếu khi chúng ta đã dung dưỡng và thỏa hiệp với các video, clip giang hồ mạng.
Tôi nhớ cuối thập niên 90 đầu thập niên 2000, giới trẻ nhiều người cũng đã từng xem, từng nghe nói và không ngừng bàn tán về Trần Hạo Nam. Đây là một nhân vật trong phim Người trong giang hồ do Hồng Kông sản xuất. Bộ phim này đề cập tới sự thành lập và thanh trừng lẫn nhau tranh giành địa bàn những băng đảng xã hội đen ở Hồng Kông.
Sự ái mộ tới mức, thậm chí có vài ca sĩ Việt Nam đã đầu tư làm phim, nhạc rồi mượn luôn tên Người trong giang hồ, Trần Hạo Nam để đặt cho tác phẩm, nhân vật của mình. Đi đúng một vòng, thị hiếu của lớp khán giả trẻ tuổi ở thế hệ sau trong những năm gần đây cũng mê mẩn với những tinh thần "anh em hào hiệp", "giang hồ phong trần". Thời của Người trong giang hồ, Trần Hạo Nam còn xài băng đĩa để xem phim, độ lan tỏa của nó chắc chắn thấp hơn bây giờ nhiều.
Những video, phim ngắn về chủ đề giang hồ, xã hội đen luôn hút view trên mạng xã hội.Từ ngày có Youtube, việc đem một sản phẩm video, clip đến với người xem thật dễ dàng. Ấy thế mà người người ra clip, nhà nhà quay video. Giang hồ chính gốc từng tù tội như Dũng Trọc, Khá Bảnh (hiện đã thụ án tù) cũng từng có thời gian dài quay clip đăng lên mạng xã hội và thu về rất nhiều lượt xem. Thậm chí phim do Đường Nhuệ làm, ông ta vào vai trùm giang hồ chuyên đi giải quyết mâu thuẫn giữa các băng nhóm, được đàn em cả nể.
Giới được cho là nghệ sĩ, dường như cạn ý tưởng, không nghĩ ra kịch bản nào hay cũng chẳng chịu đứng ngoài cuộc. Họ mặc sức vào vai anh chị xã hội đen dữ dằn, nhân vật của họ đi tới đâu là có đám đàn em tiền hô hậu ủng tới đó, sẵn sàng kéo băng nhóm đến hỏi tội đối phương. Dĩ nhiên là những video đó đem về rất nhiều view và lợi lộc khác.
Hàng triệu lượt xem, chia sẻ hay bình luận đến từ những khán giả trẻ là việc rất đáng lo ngại. Họ sẽ bị ảnh hưởng từ những nội dung không lành mạnh. Bạn nghĩ thế nào khi một người vô tình va chạm với nhóm thanh niên trên phố, nhưng thay vì trao đổi để giải quyết, họ sẽ học theo giang hồ mạng hùng hổ, lao vào đánh đá túi bụi?
>> Hung dữ thì đừng làm nghệ sĩ
Tiếp theo, những lượt view, like khủng này vô tình tiếp sức cho các cá nhân, nhóm người căn bệnh "ngáo quyền lực". Họ hành xử một cách giang hồ từ trên mạng ra ngoài đời. Họ tự cho mình được quyền đi trấn áp, hỏi tội, hù dọa hoặc đánh đập người khác. Một xã hội văn minh và có pháp luật thì không thể chấp nhận chuyện như thế được.
Tôi nghĩ giang hồ đóng phim trên mạng nhằm câu view là do nhận thức của họ hạn chế và họ đa số đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Nhưng việc một số người trong giới nghệ sĩ lại tiếp tay cho trào lưu phim giang hồ và hành xử như giang hồ ngoài đời cần phải bị xử phạt nghiêm khắc. Bởi với vị thế của họ, không đóng góp, nâng cao văn hóa nghệ thuật đã đành thì cũng đừng nên bôi bẩn nó.
Lê Văn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.