"Từ ngày Bộ Thương mại Mỹ - DOC ra phán quyết với 4 nước còn lại trong vụ kiện, tình hình im ắng hẳn. Không thấy đối tác nào đặt mua hàng xuất sang Mỹ. Nhờ lợi thế về thuế suất, tôm Thái Lan rẻ hơn mình tới 10% vì vậy mà các nhà nhập khẩu đang đổ dồn về đó", ông Quang than thở.
Theo ông Quang, sau phán quyết sơ bộ của DOC đối với tôm Vịet Nam và Trung Quốc, giá chào mua tôm của Việt Nam tăng nhanh, khách hàng hỏi mua cũng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, ngay cả lúc đó, đa số các đối tác chỉ dạm hỏi chứ rất ít người ký ngay hợp đồng. "Giờ đây, họ đã biết thuế suất của Thái Lan thấp, chắc họ khó có thể kham nổi nếu mua tôm Việt Nam", ông lo lắng. Lẽ ra vào thời điểm này mọi năm, Minh Phú cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang tất bật chuẩn bị thực hiện cho các đơn hàng phục vụ mùa Noel và các kỳ lễ tết cuối năm.
Phương án chuyển hướng bán tôm sang thị trường khác ngay trong giai đoạn này, theo ông Quang, cũng rất khó bởi chắc chắn tại những thị trường đó, tôm Việt Nam sẽ bị ép giá. Khác với cá basa, tôm khó có thể trông cậy nhiều vào thị trường nội địa. Bởi cá basa giá cả phải chăng, còn tôm thì đắt và không phải gia đình nào cũng có thể tiêu thụ thường xuyên.
Theo một số doanh nghiệp chế biến lớn, giải pháp khả thi có thể tính tới lúc này là đẩy mạnh làm hàng tinh chế cỡ lớn. Đây vốn cũng là một thế mạnh của Việt Nam. Từ lâu đã tập trung làm mặt hàng này, hiện Công ty Sao Ta đang không kịp chế biến để thực hiện hợp đồng. Ngoài thị trường Nhật, Sao Ta vẫn tìm được những đơn hàng xuất đi Mỹ.
Một điều mà các doanh nghiệp ngành tôm đang trăn trở lúc này là giá nguyên liệu đầu vào. Hiện mỗi cân nguyên liệu loại 30 con mua của ngư dân đang là 100.000-105.000 đồng/kg, không giảm bao nhiêu so với trước do sản lượng vụ này thấp. Giá mua vào vẫn cao đang càng làm khó doanh nghiệp, khi mà đầu ra tạm thời bị chặn lại. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) Hồ Quốc Lực, để giảm bớt khó khăn, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo bà con ngư dân không nên thu hoạch ồ ạt, gây ứ đọng nguyên liệu tại nhà máy và có khả năng sẽ bị nhà nhập khẩu lợi dụng để o ép giá với doanh nghiệp.
Trong lúc này, nhờ lợi thế thuế suất thấp, Thái Lan đang tăng cường kế hoạch xuất sang Mỹ. Nước này tuyên bố sẽ nâng lượng xuất khẩu từ 230.000 tấn hiện nay lên 350.000 tấn. Các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng coi đây là cơ hội lớn để giành giật thị phần từ tay Trung Quốc và Brazil.
Song Linh