![]() |
Thép qua nhiều "cửa" mới đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Anh Tuấn |
Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép tổ chức tiêu thụ sản phẩm theo hai mô hình. Thép Thái Nguyên thông qua hệ thống chi nhánh, cửa hàng trực thuộc với lượng thép tự tiêu thụ trên 70%. Thép miền Nam và các liên doanh bán sản phẩm thông qua nhà phân phối. Hệ thống bán buôn cấp 1 bao gồm 30 doanh nghiệp như Thái Hưng, Sơn Trường, Xuân Hoà... Trong đó, VSC có 5 công ty gồm 36 chi nhánh, xí nghiệp và 50 cửa hàng.
Doanh nghiệp tư nhân Hòa Phát có 3 đại lý chính ở Hà Nội và mỗi tỉnh, thành khác có ít nhất một nhà phân phối. Mỗi đại lý cấp I này lại có khoảng 18-20 cửa hàng nhỏ.
Thép Việt -Ý bán hàng qua nhà phân phối trực thuộc công ty, các công trình và đại lý với hơn 300 cửa hàng. Một liên doanh khác là VinaKyoei giao hàng thông qua 15 tổng đại lý.
Chị Hương, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tuấn - Hương (Cầu Giấy), "bật mí", ngay khi thép mới ra lò, các nhà buôn lớn đã phục ngay cổng nhà máy để ôm hàng. Thép đến tay chị cũng phải qua 2-3 cầu khác, mỗi lần chênh lệch hàng trăm nghìn đồng mỗi tấn. Như vậy, người tiêu dùng không thể đòi hỏi mua được giá thép chính gốc nhà máy.
Trước ý kiến cho rằng, ngành thép cần hoàn thiện hệ thống phân phối theo hướng doanh nghiệp sản xuất tăng cường bán trực tiếp cho người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian thương mại, ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VSC, có quan điểm khác: "Doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực để tổ chức sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao về chất lượng và giá thành, còn doanh nghiệp thương mại sẽ đảm nhận vai trò phân phối sản phẩm".
Theo ông Hùng, VSC không có kế hoạch phát triển các nhà buôn nhỏ vì đây là đối tượng khách hàng không thường xuyên của nhà sản xuất, khi hàng thiếu các nhà buôn này mới trực tiếp đến công ty mua, hơn nữa họ thường yêu cầu được bán trả chậm trong khi VSC quy định thanh toán ngay 70% tiền hàng.
Tổng giám đốc liên doanh VinaKyoei Doi Makoto cũng cho rằng, họ không muốn thành lập hệ thống nhà phân phối cấp III vì phải huy động nhiều nhân công và chi phí lớn, còn để bên ngoài đảm nhiệm thì không mấy hiệu quả vì khả năng tài chính của những cửa hàng này quá yếu kém.
Hiệp hội và Tổng công ty Thép cho rằng, không nhà sản xuất nào có khả năng chi phối được thị trường vì VSC lớn nhất cũng chỉ nắm vỏn vẹn 16% thị phần. Tuy nhiên, với mô hình phân phối thép kiểu "mua đứt bán đoạn" như hiện nay, liên bộ Tài chính - Thương mại nhận định các nhà sản xuất không thể kiểm soát được giá cả và khi nhà phân phối găm hàng nâng giá bán họ đành bó tay để thị trường liên tục biến động. Ngay ông Đậu Văn Hùng cũng phải thừa nhận có dấu hiệu bất thường khi một tấn thép cuộn Thái Nguyên giá tại cổng nhà máy 6,7 triệu đồng, nhưng đến tay người dùng lên tới gần 8 triệu.
VSC báo cáo Bộ Công nghiệp chỉ bán ra các đại lý ngoài 25% số thép họ sản xuất, tuy nhiên, điều này mới chỉ thể hiện trên hóa đơn bán hàng. Còn liệu các cửa hàng trực thuộc tổng công ty có bắt tay với tư thương tuồn hàng ra ngoài một cách bí mật hay không thì bản thân lãnh đạo VSC công nhận là chưa thể phát hiện được.
Phong Lan