Trong chính sách đối nội và đối ngoại thời gian vừa qua, Việt Nam luôn dành sự ưu tiên cho hợp tác với các nước ASEAN. Lộ trình cắt giảm thuế của AFTA quy định cho Việt Nam đến năm 2003 phải cắt giảm hầu hết các mặt hàng buôn bán với nội bộ khối, trong đó vào năm 2006 sẽ áp dụng thống nhất mức thuế 0-5%. Việt Nam gia nhập AFTA từ năm 1995 và đã đưa tổng số 4.230 mặt hàng vào diện cắt giảm thuế. Bộ Tài chính cho biết 1.900 mặt hàng nữa sẽ tiếp tục được đưa vào lộ trình cắt giảm từ nay đến năm 2003.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua lịch trình cắt giảm thuế tổng thể cho 6130 mặt hàng trong giai đoạn 2001-2006 theo nguyên tắc: năm 2001 sẽ giảm xuống thấp hơn hoặc bằng 20% cho tất cả các mặt hàng có thuế suất cao hơn tỷ lệ này. Các nước ASEAN đã nhất trí rằng đối với các thành viên mới như Việt Nam, sẽ giảm thuế nhập khẩu xuống 0% vào năm 2015. Còn trong khối APEC, quy định đến năm 2018, các nước thành viên phải áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% cho tất cả các mặt hàng.
Mỹ và WTO: Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ
Theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam cam kết sẽ giảm hoặc không tăng thuế suất đối với 244 mặt hàng trong đó 226 mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế suất xuống còn 26% từ 3 đến 6 năm. Ngoài ra khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ xoá bỏ các phân biệt đối xử thuế tiêu thụ đặc biệt của các mặt hàng ô tô dưới 12 chỗ ngồi và thuốc lá; xoá bỏ các khoản phụ thu nhập khẩu đánh vào nhiên liệu, sắt thép và phân bón trong vòng 3 năm; loại bỏ ưu đãi thuế quan theo tỷ lệ nội địa sau 5 năm.
Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình hoàn thiện phương án đàm phán gia nhập WTO. Theo đó toàn bộ hơn 6.000 dòng thuế nhập khẩu cũng sẽ được đưa vào chương trình cắt giảm.
Xoá hàng rào phi thuế
Đối với các mặt hàng thuộc diện phi thuế quan (hạn chế định lượng, giấy phép nhập khẩu...) cũng sẽ được bãi bỏ theo lộ trình: từ nay đến 2006 xoá bỏ hoàn toàn trong giao dịch thương mại khối ASEAN. Đối với Mỹ, hàng rào này bị loại bỏ trong thời gian từ 3 đến 10 năm sau khi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chú trọng tới các điều kiện hội nhập vào APEC và WTO. Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC từ năm 1998 và đang có nhiều hợp tác kinh tế quan trọng với các nước này.
Hội nhập tài chính quốc tế sẽ đem lại lợi ích to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các giải pháp khả thi hiện còn bị ràng buộc bởi khá nhiều yếu tố xuất phát từ trong nước như: khả năng cạnh tranh hạn chế, trình độ quản lý yếu kém... Bộ tài chính sẽ còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới.
Thanh Xuân (theo VTV, Thanh Niên, 27/12).