Tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành lao động sáng 14/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhắc nhở nhiều tỉnh thành cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là lao động tự do.
Địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dich, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Một tuần sau khi Chính phủ và Bộ ban hành hướng dẫn thủ tục, mới có 33 tỉnh thành báo cáo về kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng).
![Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung tại hội nghị sáng 14/7. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/14/fd68ef61c8d63c8865c7-2905-1626240379.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IkkEmcC9Xkz0DbcLPX0cug)
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung tại hội nghị sáng 14/7. Ảnh: Hồng Chiêu
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết đã lập các tổ công tác tham mưu cho thành phố; các cấp nghiên cứu hướng dẫn thủ tục; lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người lao động. Sở đã hoàn thiện dự thảo lần đầu, đang xin ý kiến để hoàn thiện và trình UBND thành phố ban hành.
"Trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng", bà Hương nói. Dù ngành lao động thủ đô gặp áp lực lớn khi địa bàn rộng, lao động đông, song gói hỗ trợ lần trước cũng đã chi trả được hơn 515.000 người bị ảnh hưởng.
Ông Đào Ngọc Dung phê bình tốc độ triển khai của Hà Nội chậm và nhắc "thủ tục hành chính mức độ thôi". Nghị quyết, hướng dẫn đều đã ban hành, các ngành liên quan, trực tiếp là BHXH và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có hướng dẫn cụ thể.
"Tinh thần không ban hành thêm thủ tục văn bản gì nữa, Hà Nội cần chủ động triển khai luôn, nhất là cho nhóm lao động tự do", ông Dung nói và cho rằng ngành lao động thủ đô cần đeo bám quyết liệt hơn, trong bối cảnh Hà Nội đã hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua.
![Cơm di động hỗ trợ người lao động TP HCM trong những ngày cách ly xã hội, tháng 7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/14/co-m-di-do-ng12-1626169296-8184-1626237657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qQ81eaPjabSO7ZxBCzGThw)
"Cơm di động" hỗ trợ người lao động TP HCM trong những ngày cách ly xã hội, tháng 7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ trưởng Dung hoan nghênh sự chủ động của Đồng Nai khi ngày hôm qua đã ban hành quyết định hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Ông nói tỉnh "đừng cầu toàn quá, không chờ hết dịch, hết giãn cách mới bắt đầu hỗ trợ" mà phải làm ngay, "khó và đông lao động như TP HCM còn triển khai gần xong rồi".
Đồng Nai dự kiến dành khoảng 45 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng một người, chi trả một lần. Theo đó, diện được hỗ trợ gồm: Người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; xe ôm, xe công nghệ hai bánh; người bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình, trong các cơ sở giáo dục mầm non; lao động trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt uốn tóc, nail); lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của tỉnh từ ngày 1/5 như karaoke, quán bar, vũ trường, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, phòng tập gym, fitness, biliards, yoga.
Các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch cụ thể.
Bắc Giang dự kiến trong hôm nay sẽ ban hành hướng dẫn cho các địa phương. Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết tỉnh sẽ có cơ chế thông thoáng hơn cho một số nhóm như F0, F1. Những người này chỉ cần giấy biên nhận tiền ăn hoặc xác nhận đi cách ly, điều trị gửi chính quyền. Với lao động tự do, dù đã có dự kiến hỗ trợ nhóm nào song kinh phí khó khăn nên tỉnh "cần phải tính toán".
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến trên 125.000 nguời được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng. Riêng lao động tự do sẽ nhận 1,5 triệu một người, nếu tiếp tục mất việc được thêm 1 triệu, song không quá 3,5 triệu đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ cho 3.500 người bán vé số với mức 750.000 đồng mỗi người, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng từ nguồn của công ty xổ số kiến thiết tỉnh. Ngày 15/7, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai chính sách trên toàn địa bàn.
![Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết sẽ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/14/tphcm-4766-1626237657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YBXVD7ZbXX3e56UGAjfwWg)
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết sẽ chi trả hỗ trợ xong cho lao động tự do vào ngày 15/7. Ảnh chụp màn hình
TP HCM ngày mai sẽ hoàn thành hỗ trợ cho gần 230.000 lao động tự do và sẽ tập trung vào các nhóm còn lại. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết thành phố chi hỗ trợ 30 ngày thực hiện giãn cách mỗi ngày 50.000 đồng, người lao động nhận một lần 1,5 triệu. Trong 15 ngày thành phố cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 750.000 đồng một người cho nhóm này.
Với công nhân lao động hoãn việc, ngừng việc không lương, doanh nghiệp sẽ tự lên danh sách rồi gửi về cơ quan BHXH thành phố. Cơ quan này rút ngắn thời gian thẩm định trong một ngày, thay vì hai ngày như quy định. Với 24.000 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ cần gửi giấy yêu cầu đến BHXH để thẩm định. Nếu đủ điều kiện, thành phố sẽ chi trả qua tài khoản ngân hàng hoặc gởi về quận huyện để trực tiếp trả. Riêng 410 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc từ Ngân hàng chính sách xã hội, thành phố sẽ bố trí kinh phí hơn 350 tỷ đồng.
Dự kiến từ nay đến 23/7, thành phố sẽ bước vào đợt cao điểm chi trả tiền cho người lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ngân sách, TP HCM vận động các nguồn khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động trong những ngày khốn khó, với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Ông Dung đánh giá TP HCM đang đi đúng hướng, đặc biệt là ưu tiên lao động tự do "còn vượt lên tinh thần của Nghị quyết 68". Song ông đề nghị thành phố "chạy song song" hỗ trợ các nhóm cùng lúc chứ không đợi nhóm này xong mới làm nhóm khác. Với lao động tự do, ông nhắc thêm các tỉnh thành ngoài tiền nên có thêm hình thức hỗ trợ như cây ATM gạo, rau xanh, nhu yếu phẩm, lương thực trong những ngày giãn cách, cách ly.
Người đứng đầu ngành lao động lo lắng nhất là "tam giác công nghiệp" Đồng Nai 1 triệu lao động, Bình Dương 1,2 triệu và TP HCM 1,6 triệu, chiếm 1/4 lao động cả nước, với nguy cơ dịch tấn công vào khu công nghiệp luôn hiện hữu. Bài học Bắc Giang hồi tháng 5 phải đóng cửa khu công nghiệp, ảnh hưởng hàng trăm nghìn lao động vẫn còn. Nên giữ được thành trì công nghiệp phía Nam là giữ được an toàn cho cả nước, giữ được chuỗi cung ứng sản xuất.
"Chưa bao giờ công ăn, việc làm lại là gánh nặng cực lớn như lúc này. Tỷ lệ rút BHXH một lần, tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng", ông Dung nói, dự báo số lượng này sẽ gia tăng thời gian tới.
Hoàng Phương