Theo tổng hợp của Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, trong đó Quảng Bình thiệt hại nặng nề nhất.
100% học sinh của Quảng Bình phải nghỉ học. 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập. Tổng thiệt hại ban đầu 382 tỷ đồng.
Quảng Trị bị ảnh hưởng lớn thứ hai với khoảng 80 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương có nhiều học sinh thiệt mạng nhất với một em bị đuối nước, ba em bị vùi lấp cùng một cán bộ quản lý. Hai tỉnh khác cũng có học sinh bị đuối nước là Quảng Bình (3 em), Quảng Nam (3 em), Hà Tĩnh (2 em).
Ngoài Quảng Bình với 334 trường bị ảnh hưởng, Hà Tĩnh cũng có tới 150 trường bị ngập, trong đó 69 trường ngập sâu; Quảng Trị có 200 trường với hơn 300 điểm trường ngập.
Sau bão lũ, hầu hết học sinh các tỉnh trên bị thiếu sách vở và đồ dùng học tập.
![Trường Tiểu học Sông Vệ (Quảng Ngãi) bị tốc mái, bàn ghế, thiết bị hư hỏng nặng sau bão Molave. Ảnh: Quỳnh Trần.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/31/Truong-hoc-1606-1604112508.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2i7hu5fxXu6T85mdNszqug)
Trường Tiểu học Sông Vệ (Quảng Ngãi) bị tốc mái, bàn ghế, thiết bị hư hỏng nặng sau bão Molave. Ảnh: Quỳnh Trần.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 tổ chức tại Hà Nội ngày 31/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục miền Trung.
"Cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục thiệt hại với ngành giáo dục. Nhưng lúc này học sinh cần sách vở đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học", ông Nhạ nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như UNICEF, Save the Children, Plan International và tổ chức, đơn vị, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ học sinh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.