Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp.
Sau hai năm dạy tích hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận đây là một trong các khó khăn lớn nhất khi thực hiện chương trình mới.
Là người tham gia phát triển chương trình và tập huấn giáo viên, PGS.TS. Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ quan điểm về dạy học tích hợp hiện nay.
- Có quan điểm cho rằng việc triển khai chương trình mới, trong đó có môn tích hợp là nóng vội khi cơ sở vật chất, nguồn lực con người chưa đảm bảo?
- Tôi khẳng định việc chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như các quan điểm về dạy học phát triển năng lực, dạy học tích hợp không nóng vội, thậm chí rất kỹ càng.
Trong giáo dục, việc phát triển chương trình là hoạt động thường xuyên. Khoa học đã tổng kết chu kỳ để có những thay đổi lớn trong chương trình giáo dục của đa số quốc gia là khoảng 10 năm. Ở Việt Nam, do điều kiện đất nước, chu kỳ này thường lâu hơn. Từ năm 2006 tới 2018, chúng ta mới có một chương trình mới, năm 2020 bắt đầu áp dụng.
Trước đó, từ những năm 1990, Chính phủ đã tạo điều kiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển nhiều dự án; nghiên cứu, thực nghiệm bài bản về đổi mới giáo dục phổ thông trên các thành tố cơ bản như chương trình, sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, phương pháp dạy và đánh giá, điều kiện dạy học, bồi dưỡng giáo viên...
Nhiều đề tài tập trung đánh giá và rút kinh nghiệm về phát triển chương trình phổ thông ở Việt Nam và thế giới để tìm giải pháp phù hợp. Các hoạt động chuyên môn, thực nghiệm, xây dựng chính sách... cũng liên tục từ năm 2006 đến nay.
Dạy tích hợp cũng được nghiên cứu sớm. Trong chương trình 2006, dạy tích hợp thể hiện ở các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Việt ở tiểu học. Tại THCS và THPT, tích hợp thể hiện trong môn Ngữ văn, Toán và các chủ đề tự chọn.
Các chuyên đề dạy tích hợp được tổ chức thường xuyên cho giáo viên từ năm 2.000 đến nay.
Vì vậy, tôi cho rằng sự chuẩn bị của ngành giáo dục là tốt, rất sẵn sàng. Tuy nhiên, đổi mới là một quá trình, để đạt được kết quả như mong muốn không thể duy ý chí hay nóng vội, và cũng còn vấp phải khá nhiều khó khăn từ thực tiễn.
- Các giáo viên được bồi dưỡng để dạy tích hợp như thế nào?
Tháng 6/2021, Bộ ban hành hướng dẫn về dạy tích hợp, giao hiệu trưởng căn cứ thực tiễn để phân công giáo viên phù hợp dạy các nội dung của chương trình.
Một tháng sau, Bộ có hai quyết định bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và "chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy tích hợp".
Giáo viên được bồi dưỡng 20-36 tín chỉ, mỗi tín chỉ 45 tiết. Cụ thể, giáo viên đã tốt nghiệp sư phạm hoặc cử nhân Vật lý - Hóa học, Hóa học - Sinh học phải học 20 tín chỉ. Người tốt nghiệp sư phạm đơn môn học chương trình bồi dưỡng 36 tín chỉ.
Họ có thể học tập trung, liên tục trong ba tháng (vào kỳ nghỉ hè hoặc mỗi tháng một đợt 3-4 ngày cuối tuần) hoặc tích lũy tín chỉ. Chương trình có nhiều nội dung hỏi gắn liền lý thuyết với thực hành, áp dụng các phương pháp sư phạm tích hợp để giải quyết các vấn đề trong đời sống, giúp người học có khả năng tự học, tự bồi dưỡng sau khóa học. Nói chung, giáo viên hình thành, nâng cao hiểu biết và năng lực, đảm bảo thầy cô học xong có thể dạy các môn tích hợp.
Đến nay, các địa phương đều đã điều động giáo viên đi học để về dạy tích hợp, tuy nhiên số thầy cô được bồi dưỡng phụ thuộc vào kế hoạch và ngân sách của từng địa phương.
- Thế thì tại sao môn tích hợp lại bị nhiều nhà trường, giáo viên phản ứng?
- Chương trình giáo dục phổ thông mới đã sang năm thứ tư triển khai. Tôi đánh giá, mọi thứ về cơ bản tốt, trong đó có dạy tích hợp. Nhiều giáo viên hào hứng khi được tập huấn, làm quen với những thay đổi của chương trình mới. Tất cả đều nhận thấy đây là cơ hội để thay đổi và nâng cao chất lượng dạy học, giúp người học có hiểu biết liên môn, từ đó giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trong dạy tích hợp, khối tiểu học là "êm" nhất vì có nhiều thuận lợi, chẳng hạn giáo viên được đào tạo dạy nhiều môn, việc tích hợp cũng đã được triển khai và thực hành thuần thục từ chương trình 2006.
Khó khăn đặt ra ở khối THCS, tại một số trường với môn Khoa học Tự nhiên (tích hợp Lý, Hóa, Sinh), Lịch sử và Địa lý, một phần ở nội dung giáo dục địa phương.
Tôi cho rằng việc đạt chất lượng đồng đều ở từng giáo viên, từng nhà trường trong dạy học là điều không thể. Đổi mới bao giờ cũng gặp lực cản từ tâm lý ngại thay đổi, sức ì của thói quen cùng sự chưa đồng bộ về các điều kiện phục vụ cho dạy học như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sự vào cuộc quyết liệt của con người. Các thầy cô sẽ làm được nếu quyết tâm đổi mới cách dạy và các hoạt động chuyên môn ở nhà trường được thực hiện như hướng dẫn của Bộ.
Còn khó khăn về cơ sở vật chất hay kinh phí ưu tiên cho bồi dưỡng giáo viên là điều đáng ngại. Hiện, hầu hết trường học chưa đủ thiết bị phục vụ chương trình mới. Nếu địa phương không ưu tiên đầu tư, vấn đề không thể giải quyết.
Ngoài ra, cũng còn có nguyên nhân ở chất lượng biên soạn không đồng đều giữa các bộ sách giáo khoa và từng bài dạy tích hợp. Khâu này, nếu việc thẩm định chặt chẽ hơn thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Ở cấp độ vĩ mô, tôi cho rằng Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo cần tính toán lại định mức thời gian làm việc theo vị trí việc làm của giáo viên. Khi cách dạy và học đã thay đổi, định mức lao động và tiền lương vẫn như cũ là không tạo động lực.
- Thế nào được coi là dạy tích hợp đạt yêu cầu?
Tích hợp là một quan điểm sư phạm, trong đó chú trọng tới việc giúp học sinh vận dụng hiểu biết của nhiều môn học vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là những vấn đề của đời sống thực. Qua đó, các em hình thành nhiều phẩm chất năng lực cá nhân thiết thực.
Dạy học tích hợp cũng có nhiều mức độ, từ đơn giản đến phức hợp, đơn cử như hai kiểu chúng ta đã làm nhiều từ chương trình 2006.
Một là đưa những nội dung có liên quan vào quá trình dạy học, thể hiện ở các môn tích hợp như đạo đức, lối sống, pháp luật, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Hai là đưa những nội dung liên môn vào dạy ở một môn có ưu thế về lượng kiến thức nhất; hoặc tách riêng thành một chủ đề dạy tích hợp. Việc này tránh để học sinh phải học một nội dung nhiều lần, ở các môn khác nhau.
Về thực tế, tích hợp có thể được dạy dựa trên cơ sở các đơn môn thông qua hình thức dạy học dự án. Khi đó, giáo viên đơn môn cũng có thể dạy thành công các chủ đề tích hợp. Nhiều trường học triển khai khá thành công. Nhiều giáo viên dạy tích hợp đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo như ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học STEAM...
- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói "khả năng cao sẽ điều chỉnh môn tích hợp". Bà cho rằng hướng điều chỉnh nên như thế nào?
- Một trong những nguyên tắc của phát triển chương trình giáo dục là cập nhật, đánh giá thực tiễn để điều chỉnh cho tốt hơn.
Hướng điều chỉnh phụ thuộc vào kết quả điều tra, đánh giá thực trạng triển khai chương trình mới trên toàn quốc. Điều này đã nằm trong lộ trình phát triển chương trình rồi. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn nằm ở con người. Khi các giáo viên và cán bộ quản lý thực sự mong làm tốt công việc của mình, việc dạy học sẽ tốt lên.
Trước mắt, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm của các cá nhân, nhà trường đã làm tốt, nhất là những đơn vị gặp khó khăn nhưng vẫn chủ động, sáng tạo. Sau đó, các trường đẩy mạnh chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, nòng cốt là các giáo viên tích cực, vững nghề.
Thanh Hằng thực hiện