Ấn Độ có ngành dược phẩm lớn thứ ba thế giới. Họ sản xuất gần 60% vaccine được sử dụng trên toàn cầu, bao gồm cả những vaccine quan trọng chống bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà theo yêu cầu của Tổ chức y tế thế giới - WHO. Hơn nữa, quốc gia này đáp ứng 90% nhu cầu toàn cầu về vaccine phòng bệnh sởi.
Hơn 250 nhà máy tại quốc gia này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế và Chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (MHRA) chấp thuận.
Từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, giá nhiều thành phần dược phẩm hoạt tính (API) như ivermectin, methylprednisolone, doxycycline, enoxaparin, paracetamol, azithromycin, meropenem và pipratazo, dùng để sản xuất các loại thuốc quan trọng trong điều trị Covid-19, đã tăng 30-200%, theo dữ liệu thu thập bởi ThePrint, trụ sở tại New Delhi.
Các nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ gọi tình hình là "đáng báo động". "Các thương nhân và nhà sản xuất những nguyên liệu thô này đang báo giá khác nhau, đôi khi đổi giá chỉ trong 4 giờ", Sandeep Arora, CEO Ultra Drugs có trụ sở tại Baddi nói.
Theo ông, tình hình đang rất tệ và nếu không có sự can thiệp từ chính phủ, khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong những tháng tới. Baddi nằm ở Himachal Pradesh, là trung tâm sản xuất thuốc ở Ấn Độ.
Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA) - tổ chức quy tụ các doanh nghiệp chiếm 60% thị trường nội địa và khoảng 80% xuất khẩu các sản phẩm dược của Ấn Độ - cũng xác nhận giá nguyên liệu thuốc tăng cao trong 4 tháng qua. Theo IPA, giá API sản xuất các loại thuốc paracetamol, azithromycin, doxycycline, ivermectin...đã tăng. Đây là những thuốc kháng sinh, giảm đau và các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị Covid-19.
Ông Sudarshan Jain, Tổng thư ký IPA ví dụ API của paracetamol, một loại thuốc trị sốt và giảm đau đã tăng 25% từ 450-480 rupee mỗi kg vào tháng 12/2020 lên 580-600 rupee mỗi kg vào tháng 4/2021. Còn nếu so với giá trước đại dịch thì đã tăng 140%. Theo ông, giá cả leo thang do nguồn cung từ Trung Quốc chậm liên tục. Hiện 70% nguyên liệu thuốc của nước này phải nhập từ láng giềng.
Đầu tháng trước, Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ (IDMA) bày tỏ quan ngại với chính phủ về việc tăng giá nguyên liệu thô "chưa từng có". Họ cho rằng giá cả biến động của nhiều nguyên liệu thô là một nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng.
"Sự leo thang lớn về chi phí đầu vào và vận chuyển đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong việc duy trì khả năng kinh doanh dược phẩm cho nhiều thành viên của chúng tôi", Ashok Madan, CEO IDMA, nói.
IDMA đại diện cho hơn 1.000 công ty dược phẩm. Lãnh đạo một công ty giấu tên nói vào tuần trước rằng "tình hình giá cả rất tồi tệ". Giá đã tăng mạnh và sự khan hiếm của nguyên liệu thô cũng là một vấn đề lớn.
Ngoài thiếu nguyên liệu thô do nguồn cung hạn chế, ngành dược phẩm Ấn Độ còn thiếu hụt oxy cần thiết trong sản xuất API vì đang cần rất nhiều oxy cho các bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh cũng khiến nhân lực hạn chế.
Một số cơ sở dược phẩm của Ấn Độ đã phải đóng cửa khi công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Các nhà máy đang hoạt động sản xuất ít hơn do thiếu nhân lực trong bối cảnh các biện pháp ngừng hoạt động và giãn cách xã hội. Trong ngắn hạn, lịch sản xuất của một số công ty đã thay đổi mạnh mẽ, theo bà Juilee Dandekar.
Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil), tình trạng thiếu container và giá cước vận chuyển cao đang gây thêm tai họa. Các công ty dược phẩm nhỏ là những đơn vị bị ảnh hưởng nhiều hơn vì họ có ít hàng tồn kho hơn so với các công ty dược phẩm lớn.
Chirag Doshi, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị IDMA, cho biết những công ty nhỏ đang gặp khó khăn vì giá đầu vào cao, nên một số đã cắt giảm sản lượng. Những doanh nghiệp lớn thì thoải mái hơn. Alembic Pharmaceuticals, công ty dẫn đầu thị trường về azithromycin, với 30% thị phần tại Ấn Độ, có kho dự trữ thuốc lớn cho đến tháng 8.
Theo Ravi Udaya Bhaskar, Tổng giám đốc Pharmexcil, ngành dược phẩm Ấn Độ vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động nghiên cứu và sản xuất nhằm cung cấp các loại thuốc thiết yếu cho dân số quốc gia cũng như toàn cầu trong thời kỳ khó khăn.
"Tôi vui mừng chia sẻ rằng, xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng ra nước ngoài 18% trong năm tài chính hiện tại, bất chấp mọi khó khăn và đạt mốc 24,4 tỷ USD", ông Bhaskar nói.
Dù ngành dược Ấn Độ vẫn duy trì sự tự tin nhất định và chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự ảnh hưởng đáng kể đến thị trường dược phẩm toàn cầu, nhưng những gì đang diễn ra rất đáng lưu tâm.
"Việc ngăn chặn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng dược phẩm Ấn Độ và chuẩn bị sản xuất quy mô lớn cho các sản phẩm y tế điều trị hoặc phòng ngừa Covid-19 không chỉ giúp Ấn Độ mà còn hỗ trợ toàn cầu đối phó với dịch", Giáo sư Philippe J Guerin, Giám đốc Đài quan sát dữ liệu bệnh truyền nhiễm (IDDO), Đại học Oxford (Anh), đánh giá.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước cú sốc về sự bất ổn của ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ sẽ là các thị trường thu nhập trung bình và thấp (LMIC). Các công ty Ấn Độ chiếm hơn 90% mua sắm thuốc kháng vi rút (ARV) trong các LMIC được tài trợ thông qua mua sắm của các nhà tài trợ.
"Trong bối cảnh đại dịch, việc phụ thuộc toàn cầu vào thuốc gốc (còn gọi là thuốc generic) của Ấn Độ có thể trở thành một thách thức quốc tế phức tạp", ông Philippe J Guerin nói thêm.
Thực tế, ngành dược Ấn Độ đã bắt đầu chịu sức ép từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm ngoái, do giá nguyên liệu thô tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, lịch trình sản xuất bị gián đoạn và chi phí vận chuyển cao ngất ngưởng ở hầu hết các quốc gia.
Với việc di chuyển của người và hàng hóa bị hạn chế trong bối cảnh phong tỏa, các nhà sản xuất thuốc gốc nước này cũng không thể tung ra sản phẩm mới hoặc tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Do đó, các mốc thời gian công bố thuốc mới bị đẩy lùi, khiến dòng tiền tiềm năng kiếm được từ thuốc gốc mới cũng bị trì hoãn.
Các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức khác. Theo chuyên gia Juilee Dandekar của hãng nghiên cứu Aranca trụ sở ở Mumbai, một cơ sở dược phẩm của Ấn Độ chỉ có thể bán thuốc tại Mỹ sau khi được FDA Mỹ kiểm tra và chấp thuận. Với lệnh cấm đi lại quốc tế, việc kiểm tra đương nhiên là không có cơ sở, khiến các công ty dược phẩm Ấn Độ không thể bán được thuốc mới ở Mỹ và các thị trường nước ngoài khác.
Giáo sư Philippe J Guerin cho rằng, giảm thiểu và kiểm soát sự bùng phát của Covid-19 ở Ấn Độ có tầm quan trọng hàng đầu không chỉ đối với Ấn Độ mà còn đối với thế giới.
Là một thành phần chính của nền kinh tế Ấn Độ, tình trạng của ngành công nghiệp dược phẩm của nước này sẽ quyết định tác động của đại dịch đối với 1/5 dân số thế giới. "Trong lịch sử, Ấn Độ đã thể hiện cam kết ở mức cao nhất để đảm bảo sức khỏe cho hàng triệu người trên thế giới với một ngành công nghiệp dược phẩm năng động và có khả năng phục hồi. Các biện pháp đặc biệt cần được thực hiện để hỗ trợ và duy trì hoạt động của các nhà máy sản xuất", ông nói.
Theo vị chuyên gia, các chính phủ và tổ chức quốc tế phụ thuộc vào Ấn Độ về nguồn cung cấp nên nhìn xa hơn về việc hỗ trợ chuỗi cung ứng dược phẩm của nước này. Cần phải xem xét các kế hoạch dự phòng để đảm bảo quyền tiếp cận các API và thuốc trên toàn cầu.
Việc sản xuất những mặt hàng dược phẩm phòng, trị Covid-19 ở quy mô lớn sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ đầy đủ của toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu. "Khả năng tham gia của các công ty Ấn Độ sẽ rất quan trọng đối với phần còn lại của thế giới cũng như chính nước này để trở lại trạng thái bình thường sau dịch", ông nói.
Phiên An (tổng hợp)