Với khoảng 200.000 ha, cung cấp sản lượng hàng năm lên đến trên 2 triệu tấn nhưng ngành dừa đang đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, theo cảnh báo gần đây của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam.
Những doanh nghiệp trong ngành cũng bắt đầu lên tiếng về tình trạng nguồn nguyên liệu dừa không chỉ giảm về số lượng mà còn về chất lượng. Điều này đang ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh quốc tế trong dài hạn.
Tại diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa" ở Bến Tre hôm 13/12, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty Dừa Phương Nam, kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác xây dựng chuỗi giá trị dừa bền vững để đảm bảo phát triển lâu dài. Đây cũng là điều đang được giới chuyên gia khuyến nghị.
Ông Nguyễn Huy, chuyên gia của Intertek Việt Nam, đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp quản trị chất lượng sản phẩm, cho rằng chuyển đổi kép ngành dừa (xanh hóa và số hóa) mới giúp tăng năng suất, cải thiện cơ hội xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững cũng như triển vọng tham gia thị trường carbon.
Chuỗi giá trị ngành dừa phải "xanh hóa" từ vùng nguyên liệu đến cách canh tác, chế biến và tái chế, theo các chuyên gia tại tọa đàm "Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế" thuộc chuỗi sự kiện tiền "Mekong Connect 2024", do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP HCM (HBBC) tổ chức chiều 13/12.
Các vùng trồng chủ lực của cây dừa là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Ninh Thuận. Trong đó, Bến Tre chiếm khoảng 40% diện tích và sản lượng. Trong 9 tháng đầu, tỉnh xuất khẩu 22 triệu trái dừa sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, TS Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP HCM thừa nhận cái khó của ngành là diện tích manh mún. "Để có chất lượng thì cần diện tích lớn làm theo mô hình hợp tác xã, tạo thành một cộng đồng chăm sóc bền vững, có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng để kiểm soát dịch bệnh và đầu ra", ông nói.
Là ông lớn trong ngành xuất khẩu trái cây, Vina T&T cho biết các quy hoạch vùng canh tác cần gom được tối thiểu 10 ha trong cùng xã, nhằm đăng ký mã số vùng trồng. Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Phong Phú nói đất và nước cũng phải được kiểm tra chất lượng.
Chất lượng đất gần đây được khách quốc tế rất quan tâm. Ví dụ, các vùng trồng mới của Vinamit được đích thân đối tác Trung Quốc qua kiểm tra chất lượng. Ở khâu canh tác, nên áp dụng mô hình hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh, bảo vệ nguồn nước, tăng trồng xen canh.
Một vài doanh nghiệp đã có động thái. Có sản phẩm rượu mật hoa dừa được khách hàng Nhật Bản đánh giá tốt, Giám đốc Rượu Phú Lễ Lê Thanh Trúc cho hay sẽ phát triển vùng trồng thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp các loại cây dược liệu dưới tán dừa tại Ba Tri (Bến Tre) từ năm sau.
Để trái dừa bền vững được công nhận và thuận lợi xuất ngoại, các vùng trồng phải hướng đến tiếp cận hàng loạt tiêu chuẩn hữu cơ (EU Organic, USDA Organic); chuẩn Rainforest Alliance về nông nghiệp bền vững và bảo tồn môi trường; bên cạnh các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thương mại công bằng.
Có vậy, sản phẩm mới dễ dàng tiếp cận được thị trường dừa hữu cơ dự kiến tăng trưởng bình quân 7% mỗi năm giai đoạn tới, theo PGS TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP HCM. "Tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới và bền vững, thông qua tăng cường tự động hóa, ứng dụng công nghệ và giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu", ông nhận định.
Ông Quốc ví dụ Ấn Độ, Indonesia dùng drone và hình ảnh vệ tinh giúp nông dân theo dõi sức khỏe cây và tối ưu hóa tưới tiêu. Một số mô hình tự động hóa sản xuất ở Philippines giúp tăng năng suất 20% và giảm 30% nước sử dụng.
Theo Zion Market Research (Ấn Độ), thị trường nước dừa hữu cơ toàn cầu giá trị 6,91 tỷ USD năm ngoái và dự báo đạt 11,68 tỷ USD vào 2032. Sữa dừa hữu cơ quy mô 1,49 tỷ USD năm nay và tăng lên 3,3 tỷ USD vào 2034, theo Fact MR (Ireland). Trong khi, quy mô thị trường dầu dừa hữu cơ tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2023 lên 4,6 tỷ USD vào 2032, theo Data Intelo (Ấn Độ).
Trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Phong Phú nói cần tăng giám sát bằng hệ thống số hóa để quản lý chặt, dẹp vấn nạn mua bán mã số vùng trồng đang ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của ngành dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. "Đây là cần thiết để bảo vệ cho phát triển bền vững ngành xuất khẩu dừa", ông lưu ý.
Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng dừa bền vững, tái chế và tận dụng phế phẩm cũng là khâu giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng giá trị gia tăng cho các sản phẩm phụ. Vỏ dừa có thể được chế biến thành than hoạt tính – một sản phẩm có giá trị cao được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, từ lọc nước đến y tế.
Xơ dừa có thể được tận dụng làm phân hữu cơ hoặc nguyên liệu sản xuất các vật liệu thân thiện như thảm, đệm hay bảng ép. Quan trọng hơn, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dừa cho phép tận dụng 100% sản phẩm và phụ phẩm từ cây dừa, từ nước, mật, dầu cho đến các bộ phận như vỏ, xơ và gáo.
Viễn Thông