Trần Trọng An sống tại Hà Nội, người đam mê du lịch và từng có cơ hội trải nghiệm nhiều tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Tại Đài Loan, du khách đã đi từ Đài Bắc tới Cao Hùng, khoảng cách 350 km, trên tuyến đường sắt tốc độ cao THSR, hết 90 phút.
"Ở trên tàu, bạn có thể thoải mái đọc sách, nhâm nhi cốc trà hay ngủ cũng được vì chạy rất nhanh và êm", anh nói. Viễn cảnh sáng lên tàu cao tốc từ Hà Nội, trưa ăn cơm tấm TP HCM dễ như từ Đài Bắc đến Cao Hùng khiến anh An thích thú.
Tương tự, Dieter Buchner, người Đức hiện sống ở Huế, nói trước kia thường sử dụng đường sắt tốc độ cao để tới Paris vì tiện, nhanh, chỉ tốn khoảng ba giờ nếu khởi hành Cologne, Đức, cách Paris 600 km. Tại Việt Nam, việc di chuyển bằng xe giữa các tỉnh thành với Dieter có phần khó khăn vì giao thông hỗn loạn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2045, có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét đường sắt tốc độ cao trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy ngành du lịch châu Âu hay các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuyến TGV của Pháp kết nối Paris với Lyon, Marseille, Bordeaux chỉ trong vài giờ, giúp du khách di chuyển giữa các thành phố này trong thời gian ngắn. Tương tự, hệ thống Eurostar kết nối London với Paris và Brussels, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 2-3 giờ, mở ra nhiều cơ hội du lịch xuyên quốc gia thay vì phụ thuộc vào hàng không.
Năm 2022, báo cáo "Tác động đường sắt tốc độ cao đến du lịch Trung Quốc" do nhóm tác giả thuộc 5 viện và đại học nước này thực hiện, chỉ ra việc mở rộng hệ thống đường sắt tốc độ cao có thể tăng doanh thu du lịch khoảng 1,2% và lượng khách tăng hơn 9%.
Hệ thống đường sắt cao tốc tại Trung Quốc kéo dài gần 41.000 km tính tới cuối năm 2021; kết nối 93% các thành phố có dân số trên 500.000 người, trở thành phương tiện di chuyển chính cho du khách. Chính quyền địa phương đang tận dụng loại phương tiện này để thúc đẩy phát triển du lịch, hình thành các liên minh du lịch tại những khu vực như Tứ Xuyên, Giang Tây và Vân Nam.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, đường sắt Trung Quốc cũng phục vụ tới 480 triệu chuyến đi, tăng 38% so với năm trước và chiếm khoảng 27% tổng chuyến đi của bốn loại hình giao thông gồm hàng không dân dụng, đường sắt, cao tốc và đường thủy.
Trong hai tháng 7, 8 - cao điểm du lịch hè, Tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc đã phục vụ tới 887 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước - con số kỷ lục, theo China Daily.
Nhật Bản với hệ thống shinkansen giúp cải thiện kết nối giữa Tokyo, Kyoto, Osaka, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước, mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch. Hàn Quốc cũng phát triển hệ thống KTX, giảm thời gian di chuyển giữa Seoul và Busan còn vài giờ, thúc đẩy du lịch cuối tuần và kỳ nghỉ ngắn ngày.
Ông Hoàng Nghĩa Đạt, Giám đốc điều hành VNA Travel, nói Nhật Bản có hệ thống tàu cao tốc phát triển nên người dân, du khách được hưởng nhiều lợi ích khi sử dụng.
Thời gian di chuyển của tàu và máy bay tương đương nhưng hành khách lại bớt thời gian làm thủ tục, không bị mất sóng và tới được nhiều điểm hàng không không khai thác. Trong tour "cung đường vàng", công ty cũng cho hành khách lựa chọn đi thẳng tàu từ Phú Sĩ tới Kyoto thay ôtô để tiết kiệm thời gian vì giữa hai nơi này ít điểm tham quan. Theo ông Đạt, việc kết hợp tàu cao tốc, ôtô và hàng không giúp các công ty lữ hành linh hoạt hơn trong cách tổ chức tour cho khách hàng.
Với tour Trung Quốc, Danh Nam Travel chọn đường sắt tốc độ cao để phục vụ khách đi các tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải hay Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang. Nếu sử dụng tuyến đường sắt truyền thống, hành trình Bắc Kinh - Thượng Hải với chiều dài 1.200 km phải tốn 20 giờ di chuyển, nay chỉ mất khoảng 6 giờ với đường sắt tốc độ cao.
"Ở bất kỳ nước nào có tuyến đường sắt tốc độ cao, các công ty lữ hành Việt Nam đều ưu tiên sử dụng vì tính hiệu quả, trải nghiệm độc đáo", Phó tổng giám đốc Phạm Anh Vũ của công ty Du Lịch Việt, nói. Ông nhấn mạnh đường sắt tốc độ cao còn là "sự thay thế hoàn hảo" cho những điểm có giá vé máy bay nội địa cao như Trung Quốc.
Nếu Việt Nam triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Vinh có thể giảm còn 1,5-2 giờ, so với 5-6 giờ như hiện tại; giúp các chuyến du lịch trong ngày hoặc cuối tuần trở nên khả thi, tăng cường kết nối giữa thủ đô tới các tỉnh miền Trung.
"Du lịch nội địa sẽ thuận tiện hơn, như cách người Pháp tận hưởng các chuyến đi cuối tuần giữa Paris và các thành phố khác", TS Lê Anh nhận xét.
Theo ông, nhờ bờ biển dài và nhiều thắng cảnh, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước tham gia các hành trình trải nghiệm từ các thành phố lớn đến những điểm du lịch ven biển.
Hành trình đường sắt Bắc - Nam hiện tại được nhiều tạp chí uy tín bình chọn là một trong những chuyến du lịch tàu hỏa đẹp nhất thế giới. Đây là trải nghiệm yêu thích của nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam, mang lại cái nhìn độc đáo về thiên nhiên, tạo cơ hội tiếp xúc với văn hóa địa phương trên hành trình dài hơn 1.700 km từ Hà Nội đến TP HCM.
Trong năm qua, giá vé máy bay cao khiến nhiều người chuyển sang đường sắt, làm lộ ra nhiều điểm yếu về hạ tầng, dịch vụ cần khắc phục.
"Tàu cũ, tốc độ chậm chỉ nên áp dụng với những tuyến du lịch ngắn, nội vùng, nội tỉnh để khách trải nghiệm một thứ thuộc về quá khứ", TS Lê Anh nói, nhấn mạnh hệ thống hiện tại không giải quyết được bài toán vận chuyển xa và nhanh.
Ông tin đường sắt tốc độ cao là giải pháp tiềm năng để cải thiện chất lượng giao thông và đáp ứng nhu cầu du khách, nếu được đầu tư đúng mức. TS Lê Anh kỳ vọng dự án được triển khai nhanh, tránh tình trạng chậm trễ từng xảy ra với các tuyến đường sắt trên cao, qua đó khai thác tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Theo Giám đốc Nguyễn Ngọc Tùng của Danh Nam Travel, đường sắt tốc độ cao còn giảm tải khách cho hệ thống đường bộ hay sân bay vào những giai đoạn cao điểm. Đơn vị này dự định khai thác các tuyến du lịch như Hà Nội - Ninh Bình hay liên tuyến di sản miền Trung nếu đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động.
Đại diện Du Lịch Việt kỳ vọng tổ chức các tour xuyên Việt từ cả hai đầu đất nước, loại hình khách nước ngoài rất thích, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhờ đường sắt tốc độ cao. Trong tương lai, công ty tin có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, thỏa mãn nhu cầu của du khách.
"Giá thành cũng là yếu tố phải cân nhắc để đạt hiệu quả lớn cho ngành du lịch và toàn xã hội", ông Vũ nói.
Tú Nguyễn