Sáng 1/10/1964, đoàn tàu màu xanh trắng lướt nhẹ qua khu đô thị rộng lớn của Tokyo. Những đường ray trên cao đưa đoàn tàu về phía nam, hướng đến thành phố Osaka.
60 năm trước được coi là buổi bình minh của kỷ nguyên tàu cao tốc shinkansen Nhật Bản. Những chuyến tàu khi đó được coi là biểu tượng cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của đất nước sau Thế chiến II. Các chuyên gia đã gọi shinkansenlà "kỳ quan công nghệ của thập niên 60", góp phần đưa Nhật Bản trở lại bảng xếp hạng những cường quốc hàng đầu thế giới. Shinkansen (tân cán tuyến hay đường huyết mạch mới) đã trở thành từ nói về sự hiện đại, tốc độ và hiệu quả di chuyển trên thế giới.
Ngày nay, hình ảnh đặc trưng về Nhật Bản mà du khách thường thấy là ảnh chụp đoàn tàu shinkansen lướt qua chân núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết.
Khi tuyến shinkansen Nishi Kyushu nối hai tỉnh Nagasaki và Saga phía tây nam Nhật Bản khai trương vào cuối tháng 9/2022, chỉ sau một năm, ngành du lịch địa phương đã có tăng trưởng rõ ràng.
Tính đến tháng 9/2023, hơn 2,37 triệu hành khách sử dụng tuyến Shinkansen Nishi Kyushu. Nhiều du khách đã đến thăm các địa điểm dọc theo tuyến này nhờ đi lại thuận tiện, thời gian di chuyển nhanh.
Taishoya, một nhà trọ theo phong cách truyền thống, nằm ở trung tâm khu nghỉ dưỡng suối nước nóng thuộc thành phố Saga và cách ga Ureshino-Onsen của tuyến shinkansen 2 km. Từ khi có chuyến tàu cao tốc đi qua, nhà trọ đã phục vụ khoảng 42.000 khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tsuyoshi Yamaguchi, quản lý nhà nghỉ kiêm Giám đốc Hiệp hội du lịch địa phương, cho biết số lượng khách ghé thăm nhà trọ đã vượt mức trước đại dịch.
Tương tự, nhờ mở rộng tuyến shinkansen kết nối Fukuoka ở phía bắc đến Kagoshima phía nam, thời gian di chuyển giữa hai tỉnh giảm xuống còn 3h42 phút, thay vì 5 tiếng như trước. Phương thức di chuyển nhanh, dễ tiếp cận đã giúp thúc đẩy du lịch trên đảo Kyushu (gồm hai tỉnh trên).
Năm 1889, thời gian đi tàu từ Tokyo đến Osaka là 16,5 tiếng. Nếu đi bộ, du khách cần hai đến ba tuần. Đến năm 1965, người dân và du khách chỉ mất 3h10 phút đi shinkansen.
Theo báo cáo của Cơ quan Xúc tiến Du lịch (JNTO), trước dịch, lượng khách quốc tế đến Nhật tăng từ 8,4 triệu khách vào năm 2012 lên gần 32 triệu vào năm 2019. Sự gia tăng khách du lịch thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Trung bình hơn 220 triệu lượt khách sử dụng shinkansen mỗi năm, trong 10 năm gần đây, theo Statista.
Các chuyên gia chỉ ra 5 lợi ích mà shinkansen mang lại cho ngành du lịch: khả năng tiếp cận dễ dàng, tính tiện lợi, sự thoải mái, tác động kinh tế và thân thiện với môi trường.
Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Tác động của các tuyến tàu cao tốc cho thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi của du khách. Khi khả năng di chuyển đến một điểm yêu thích bị giới hạn do hệ thống giao thông kém hiệu quả, họ sẽ tìm nơi khác thay thế. Do đó, việc đưa tàu cao tốc vào sử dụng tác động đáng kể đến sự lựa chọn điểm đến của du khách.
Từ năm 1964 đến nay, mạng lưới shinkansen mở rộng đều đặn. Từ Tokyo đã có các chuyến tàu đến Kobe, Kyoto, Hiroshima với tốc độ lên tới 322 km/h. Sự tiện lợi và thoải mái giúp shinkansen quen thuộc với khách du lịch và trở thành biểu tượng cho sự hiện đại và tiến bộ công nghệ của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, shinkansen còn nổi tiếng với sự đúng giờ, an toàn nên đây là phương tiện được du khách yêu thích. Chưa từng có hành khách nào tử vong hoặc bị thương trên mạng lưới tàu cao tốc shinkansen do trật bánh trong lịch sử vận hành. Các nhà ga shinkansen nằm ở trung tâm các thành phố lớn, giúp du khách dễ dàng di chuyển xung quanh điểm đến của mình.
Thế hệ tàu cao tốc tiếp theo, được gọi là ALFA-X, đang được thử nghiệm di chuyển với vận tốc 400 km/h, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch.
Đặc điểm nổi bật của những chuyến tàu shinkansen ngày nay là phần mũi dài, được thiết kế nhằm loại bỏ tiếng ồn gây khó chịu cho người dân ở khu vực đông đúc. Tàu ALFA-X thử nghiệm cũng có công nghệ an toàn mới được thiết kế để giảm độ rung và tiếng ồn, đồng thời giảm khả năng trật bánh trong các trận động đất lớn.
Chứng kiến sự tiện lợi và thành công của shinkansen, nhiều quốc gia trên thế giới trong 4 thập kỷ qua đã xây dựng, phát triển tuyến đường dành cho tàu cao tốc. Italy, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE hiện đều khai thác các tuyến tàu cao tốc nối liền những thành phố lớn, cạnh tranh trực tiếp với các hãng bay nội địa và quốc tế. Ấn Độ, Thái Lan cũng đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc của riêng mình. Trung Quốc cũng đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới với tổng chiều dài đạt gần 45.000 km tính đến cuối 2023.
Ngày nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm, những du khách có ý thức bảo vệ môi trường cân nhắc hơn về việc đi máy bay. Trong khi đó, các đoàn tàu shinkansen chạy bằng điện, không xả khí thải trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều du khách.
Hiroshi Suda, Chủ tịch đầu tiên của Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản, đã chỉ ra tác động của shinkansen với sự phát triển du lịch quốc gia. Theo đó, việc xây dựng các tuyến tàu cao tốc dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhu cầu du lịch ở hầu hết khu vực có tàu đi qua. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển du lịch dài lâu, bền vững, chính quyền địa phương cần cải tạo, quy hoạch các điểm đến, tạo sức hút cho du khách.
Anh Minh (Theo CNN, Japan News, Open Transportation Journal)