![]() |
Chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, giá thép đã tăng thêm 30% và có thể tiếp tục tăng đến hết tháng 3. |
Một nguyên nhân quan trọng khiến giá tăng thêm 22% trong năm ngoái chính là Trung Quốc, nơi mà ngành công nghiệp thép luôn luôn đói nguyên liệu đầu vào. Hiện quốc gia này đã vượt qua Mỹ để giành vị trí đứng đầu thế giới về tiêu thụ mặt hàng này. Cả năm 2003, Trung Quốc đã nhập 35 triệu tấn phôi, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa lên tới 250 triệu tấn.
Gánh chịu hậu quả nặng nề nhất không ai khác chính là Trung Quốc. Trong khi ngành công nghiệp nước này đang phải tập trung cải tiến hệ thống máy móc đã quá cũ kỹ, lạc hậu, việc gia tăng chi phí sản xuất khiến nhiều tập đoàn sản xuất thép lao đao. Một số đơn vị đang tìm cách thương lượng với đối tác nhằm thay đổi lại mức báo giá trong các hợp đồng đã ký kết. Nếu chuyện này không thành, việc giá nguyên liệu đầu vào tăng thêm tới 60 USD/tấn trong tháng qua sẽ khiến không ít đơn vị thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản.
Theo Hiệp hội Thép Anh quốc, việc giá tăng tới 22% trong một năm là chuyện hy hữu từ trước tới nay và báo hiệu nguy cơ thiếu hụt thép trên toàn thế giới. Không chỉ có giá phôi, trong vài tháng trở lại đây, giá quặng thép, niken, phế liệu và nhất là chi phí vận chuyển cũng đua nhau đội lên. Tình hình này buộc các tập đoàn xuyên quốc gia chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm có khả năng sinh lợi cao nhất. Các công ty đơn lẻ thì tìm cách tăng giá bán và trong trường hợp xấu nhất, đã phải dừng hoạt động.
Corus, một nhà sản xuất thép hàng đầu Anh quốc cũng phải tăng giá sản phẩm thêm 5-8% ngay trong quý I năm nay. Và đến hôm qua, do nguyên liệu đầu vào tiếp tục đắt đỏ, hàng lại một lần nữa quyết định áp dụng mức giá cao 10%. Theo đó, kể từ tháng 4 tới, trung bình mỗi tấn thép Corus bán tại thị trường Anh sẽ tăng 35 bảng và trong cả EU là 40 euro. Đại diện tập đoàn cho biết, Corus đã ký nhiều hợp đồng dài hạn và không thể bội ước với khách hàng. Vì vậy, giải pháp tốt nhất lúc này là tăng giá bán và thoả thuận với đối tác cùng tăng giá bán cho người sử dụng cuối cùng.
Các nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng đang khốn đốn bởi lần đầu tiên sau nhiều năm, giá thép nhập khẩu lại tương đương, thậm chí còn cao hơn giá trong nước. Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 1, giá nhập về tăng từ 390-400 USD/tấn lên 430-440 USD/tấn (giá CIF). Nếu cộng cả thuế, chi phí nhập khẩu thì giá sau thông quan lên tới 500 USD/tấn, tương đương thép sản xuất trong nước.
Giới sản xuất thép Malaysia thì đang dở khóc dở mếu bởi giá nguyên liệu nhập về tăng mạnh, trong khi chính phủ nước này vẫn duy trì mức giá trần cũ và không cho phép các đơn vị kinh doanh bán cao hơn. Nguồn nguyên liệu chủ yếu của ngành công nghiệp quan trọng này ở Malaysia chính là phế liệu. Chỉ tính riêng tháng 1, giá thép phế liệu tăng thêm 15% lên mức 260 USD/tấn. Mức giá này cùng kỳ năm ngoái chỉ là 150 USD và của năm 1998 là 88 USD.
Tại Việt Nam, thép nhập khẩu đáp ứng tới 2/3 nhu cầu trong nước nước vì vậy cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến động giá phôi trên thị trường thế giới thời gian qua. Chỉ trong tháng 1, giá phôi nhập về tăng thêm 50-60 USD/tấn lên mức 430 USD/tấn. Trước tình hình này, liên bộ Thương mại, Tài chính, Công nghiệp và Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn liên tục họp bàn tìm giải pháp bình ổn thị trường. Trong đó, quan trọng nhất là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tối đa phôi thép sản xuất trong nước, phấn đấu đạt năng lực sản xuất 750.000 tấn phôi trong năm nay, giảm áp lực nhập khẩu phôi xuống mức thấp nhất có thể. Trong năm 2004, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khoảng 2 triệu tấn.
Song Linh