Đây là những thông tin được cung cấp trong Thông tư 05/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về "danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được", ban hành hôm 17/8.
Trong đó, phụ lục V của Thông tư liệt kê danh mục các loại linh kiện, phụ tùng ôtô trong nước đã sản xuất được. Bảng danh sách có tất cả 287 mặt hàng, trong đó 269 loại cho xe ôtô con dưới 9 chỗ và 18 loại cho xe tải.
Trong số 269 loại này, có tới 226 mặt hàng được mô tả đặc tính kỹ thuật là theo tiêu chuẩn của Toyota, để sử dụng cho các xe Toyota, khoảng 15 loại dành cho xe VinFast, 15 loại dành cho xe Ford, 10 loại dành cho xe Honda, 7 loại cho xe Kia và 2 loại cho xe Mitsubishi.
Danh sách này không có loại linh kiện, phụ tùng nào được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hyundai và Mazda, cũng không có loại nào viết rõ là dành cho xe của hai hãng này. Trong khi đó, cả TC Motor (lắp ráp xe Hyundai) và Thaco (lắp ráp xe Mazda) đều cho biết tỷ lệ nội địa hóa cao, của TC Motor hiện tại khoảng 20%. Trong tỷ lệ nội địa hoá, ngoài linh kiện hữu hình, còn có những giá trị vô hình như lương công nhân...
Về loại linh kiện, 287 mặt hàng này chủ yếu các nhóm phụ kiện liên quan đến thân vỏ với 70 hạng mục, sàn xe hơn 60 mục, ghế hơn 33 mục, các loại dây điện hơn 25 mục, xăng và ống dẫn hơn 10 mục, chi tiết về điều hòa là 4 mục và các chi tiết khác...
Tuy nhiên, những linh kiện quan trọng nhất tạo nên "trái tim" của xe là các chi tiết cơ khí về động cơ, hộp số, hệ truyền động, hệ thống an toàn và điện tử khác vẫn chưa thể sản xuất trong nước. Nếu tính tỷ lệ nội địa hoá dựa theo giá trị, nếu sản xuất được những cấu kiện này, tỷ lệ nội địa hoá sẽ gia tăng nhanh chóng, đây đều là mục tiêu của các hãng từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Đoàn Dũng