Năm 2011, dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng, các nhà băng đã cắt giảm hơn 230.000 việc làm. Stu Taylor - Giám đốc Giao dịch toàn cầu tại UBS khi ấy đã nhận ra mình cần chuyển nghề. Một năm sau, ông rời bỏ công việc với thu nhập năm cả triệu USD để mạo hiểm đầu tư vào một ý tưởng công nghệ.
Ông cùng ba người bạn thành lập Algomi - một chương trình quản lý việc bán trái phiếu được sử dụng bởi các nhà đầu tư, giám đốc quản lý quỹ và nhân viên giao dịch. Vị giám đốc 42 tuổi cho biết những ngày dài chịu mức lương chỉ bằng phần nhỏ trước đây là rất đáng giá. "Tôi thích những gì mình đang làm. Chúng tôi tạo ra thứ mà mình cho là khác biệt, và đó là của riêng chúng tôi", ông nói.
Khi các ngân hàng lớn như UBS, RBS hay Deutsche Bank liên tục cắt giảm mảng kinh doanh, đặc biệt trong mảng giao dịch trái phiếu, số nhân viên ngân hàng nghỉ việc ngày càng nhiều. Họ muốn đem kinh nghiệm của mình vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Tận dụng môi trường kinh doanh đang thay đổi, họ đã tạo ra các chương trình và dịch vụ giao dịch, phân tích dữ liệu, quản trị rủi ro.
"7 trên 10 cuộc trò chuyện gần đây của tôi với các nhân viên ngân hàng đều kết thúc bằng việc họ nhờ tôi lưu ý, nếu có công việc trong ngành công nghệ thì gọi họ. Chuyện này sẽ không xảy ra nếu là 5 năm trước", Eric Anderson – lãnh đạo hãng công nghệ tài chính Egon Zehnder International cho biết.
Theo Bộ Thống kê Lao động Mỹ, so với đầu năm 2008, Bắc Mỹ hiện có ít hơn 211.500 nhân viên môi giới trái phiếu. Trái lại, số người làm trong các lĩnh vực như công nghệ phần mềm hay an ninh mạng lại tăng thêm 500.000. Số liệu của McKinsey tháng 12 cũng cho biết hơn 12.000 công ty mới tại Mỹ tập trung phục vụ cho ngành ngân hàng.
Mark Whitcroft (34 tuổi) đã bỏ việc giám đốc mảng trái phiếu tại Deutsche Bank New York để lãnh đạo Illuminate Financial Management - một công ty đầu tư mạo hiểm tại Anh chuyên hỗ trợ tài chính cho các hãng khởi nghiệp fintech. Whitcroft đã đầu tư tiền riêng vào đây từ năm 2010. "Với tôi, đây là một cơ hội đổi nghề. Tôi có thể gây ảnh hưởng lớn hơn lên một thứ mới mẻ, hơn là tiếp tục cống hiến cho những gì đã có sẵn", anh cho biết.
Theo một khảo sát của hãng tuyển dụng Options, hơn một nửa nhân viên ngân hàng tại châu Âu đang nghĩ đến việc đổi nghề. Khoảng 42% nhân viên các quỹ đầu tư có tài sản trên 5 tỷ USD cũng có chung suy nghĩ này.
Tiến bộ công nghệ được cho là có ảnh hưởng lớn nhất lên ngành ngân hàng, theo khảo sát của PwC năm ngoái. Trong khi đó, hơn 30% doanh thu của các nhà băng sẽ có được nhờ đột phá công nghệ trong tương lai, McKinsey cho biết. Công nghệ sẽ giúp thay thế nhiều vị trí trước đây cần con người.
"Những người có chuyên môn và kỹ năng bình thường sẽ lâm vào thời kỳ không thể tồi tệ hơn. Vì máy tính, robot và các công nghệ số khác đang làm tốt hơn họ rất nhiều", Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee tại Học viện Công nghệ Massachusetts cho biết trong cuốn sách "Kỷ nguyên Máy móc thứ 2".
Xu hướng đầu tư toàn cầu vào fintech đã tăng gấp 5 từ năm 2010, lên 13,7 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu CB Insights. Các cựu nhân viên ngân hàng như Taylor cũng coi công việc của họ như đầu tư vậy. "Những gì đã mất về mặt tài chính, tôi gần như đang có lại bằng việc được làm điều mình yêu thích. Hy vọng là chúng sẽ chuyển thành lợi nhuận trong tương lai", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)