Vài tháng trước, anh Dương vẫn là giám đốc đứng đầu khối marketing của một ngân hàng cổ phần khu vực phía Nam. Công việc và chức danh ấy giờ chỉ còn là một dòng ngắn trên CV - bản mô tả công việc trong quá khứ bởi anh đã chuyển hướng sang kinh doanh thiết bị y tế.
Giống anh Dương, nữ giám đốc cấp cao khác của một nhà băng trụ sở ở phía Bắc cũng bất ngờ chia tay ngân hàng để về đầu quân ở vị trí tương tự nhưng cho một tập đoàn khác trong lĩnh vực truyền thông.
Thành viên ban giám đốc của một nhà băng cổ phần cho biết họ mãi chưa tìm được giám đốc khối quản trị rủi ro ưng ý. Đại diện nhiều công ty tuyển dụng nhận định nhân sự cấp cao giờ không còn mặn mà với ngành ngân hàng như trước. Bà Đào Chân Phương - Giám đốc Chương trình đào tạo Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) - cho rằng không hẳn vì thu nhập ngành này không còn cao. Bà kể, rất nhiều người đã tâm sự làm ngân hàng áp lực, mệt mỏi và không ít phải đi dọn dẹp hậu quả từ quá khứ của những người khác.
Một số người bắt đầu kỳ vọng đến lúc bất động sản, chứng khoán dần khởi sắc nên họ muốn chuyển hướng. "Một khi đã làm ngân hàng thì có lẽ không quá khó khăn để họ điều hành những lĩnh vực khác, nhất là khi nó bớt rủi ro hơn", bà Phương phân tích.
Bà Chân Phương cũng chỉ ra rằng việc không có thực quyền trong ngân hàng Việt Nam cũng khiến nhiều người giỏi không còn mặn mà. "Nhiều ông chủ khiến các CEO mệt mỏi vì những chỉ đạo điều hành tư lợi cho mục đích cá nhân thay vì phục vụ cho việc làm ăn chung của ngân hàng. Dù là nhân sự cấp cao nhưng vì không có thực tiền, thực quyền nên một số người sẽ không còn hứng thú", bà Phương lý giải.
Trong giới nhân sự, những tháng đầu năm thường được ví như thời gian dịch chuyển, nhảy việc của nhiều người. Do đó, đây cũng được xem như một lý do khiến nhiều nhà băng thấy khó tìm người ưng ý hơn, đặc biệt ở các vị trí cao cấp.
Một chuyên gia tuyển dụng nhân sự chia sẻ các vị trí cấp cao không nhiều nên hầu như các ngân hàng đều biết. "Giám đốc khối của nhà băng này làm tốt thì hầu như trong ngành ai cũng biết nên rất dễ bị mời mọc. Ngân hàng nước ngoài thường ít biến động nhân sự, các nhà băng nội thì việc thay đổi, chạy lòng vòng lại diễn ra liên tục", vị này nói.
Theo bà Huỳnh Thu Hường, Tổng giám đốc điều hành Công ty tư vấn quốc tế về nguồn nhân lực Towers Watson, ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc cũng khiến các đơn vị khó tìm người giỏi hơn. Theo bà, sau đợt tái cấu trúc, thị trường còn lại là những ngân hàng quy mô lớn, sức khỏe tốt hơn. "Đồng nghĩa với đó là yêu cầu cho các vị trí cấp cao phải cao hơn, năng lực lớn hơn. Chưa kể những người làm tốt luôn được săn đón. Gần đây không ít người Việt đã được tiến cử lên các vị trí cao hơn ở các nước trong khu vực", bà Hường chia sẻ.
Thanh Thanh Lan