Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nuôi và chế biến cá tra đã trở thành hiện tượng đột phá, đạt được nhiều thành tựu. Chỉ trong 12 năm (2000-2012), phương thức nuôi cá tra đã chuyển biến nhanh với sản lượng trên 1,3 triệu tấn một năm, xuất khẩu đến 136 nước trên thế giới với kim ngạch 1,8 tỷ USD mỗi năm. Ngành này chỉ sử dụng diện tích bằng 1% nuôi tôm, hầu như chưa đòi hỏi đầu tư Nhà nước mà vẫn có năng lực cạnh tranh cao, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn.
Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển nóng, 5 năm gần đây, ngành cá tra đã gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất và xuất khẩu chững lại, biến động theo chiều hướng xấu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu (EU) - thị trường chủ lực của Việt Nam đã giảm với tốc độ trung bình trên 5% mỗi năm. Thậm chí năm 2012 giảm tới 18,8%. Từ chiếm gần 50% thị phần giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường EU đã giảm tỷ trọng xuống còn 22% trong năm 2013.
Bên cạnh đó, uy tín chất lượng của sản phẩm cá tra tại nhiều thị trường bị suy giảm mạnh, tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng rất thấp (chưa đạt 1% tổng giá trị xuất khẩu). Giá xuất khẩu đi xuống khiến nông dân nuôi lỗ, bỏ nghề và nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. "Doanh nghiệp khó khăn nên đã không thể chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vốn, thức ăn cho người nuôi liên kết, gia công với mình như những năm trước" - Giám đốc một công ty xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 11/2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL chỉ đạt hơn 4.600ha, sản lượng thu hoạch đạt 1 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ. Ước tính giá trị xuất khẩu cá tra năm 2013 sẽ bằng năm ngoái, đạt khoảng 1,75 tỷ USD.
Người dân bỏ nuôi khiến sản lượng cá tra nguyên liệu thiếu thốn. Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương cho hay, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu chế biến. Tình trạng này sẽ còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2014, ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu cá tra trong năm nay và năm tới.
Bên cạnh đó, ở thị trường Mỹ, chương trình giám sát cá da trơn lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại 2008 cũng đang tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo đó, trách nhiệm giám sát cá da trơn nhập khẩu sẽ được chuyển từ Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ và trong dự luật có quy định áp đặt tiêu chuẩn tương đồng.
Điều đó có nghĩa toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra từ nuôi trồng, chế biến đến đóng gói ở Việt Nam phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ không cho phép cá tra Việt Nam nhập khẩu vào nước họ. Theo các chuyên gia, khi đó, Việt Nam sẽ phải mất từ 5 - 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất, chế biến trước khi có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang dự kiến tiếp tục chọn Indonesia thay Bangladesh để làm nước thay thế tính toán thuế bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Với sự thay thế này, Mỹ đã tăng thuế chống bán phá giá cá tra lên gấp 25 - 45 lần trong năm 2013 và năm 2014 dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên gấp đôi.
Ngoài ra, luật hiện đại hoá vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ đưa thêm một số quy định mới như thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba... cũng là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm trong năm 2014.
(Theo Dân Việt)