Tháng cuối cùng năm 2013, có nhiều tín hiệu vui với ngành thủy sản khi một số thị trường nhập khẩu quay lại mở rộng cửa hơn cho thủy sản từ Việt Nam như Nhật Bản, Australia...
Tôm là sản phẩm thủy sản chủ lực, được kỳ vọng sẽ có bước bứt phá dịp cuối năm, giúp ngành thủy sản đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Nhật Bản đang xem xét nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm. Nếu xem xét này được thông qua, rào cản lớn nhất của tôm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản sẽ được tháo gỡ.
Ông Lĩnh cũng cho biết dự kiến mức dư lượng Ethoxyquin mới, áp cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào cuối tháng 1/2014. Trước đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã gửi công văn sang Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đề nghị xem xét nâng mức dư lượng Ethoxyquin từ mức 0,01 ppm hiện lên 1 ppm, tương đương với mức dư lượng Ethoxyquin áp dụng cho các sản phẩm trên thị trường hiện nay.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cũng cho biết dù mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu vào Nhật chưa được như kỳ vọng của Việt Nam, tuy nhiên đây cũng đã là nỗ lực lớn của cơ quan chức năng và cộng đồng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước.
Trước đó, năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản gặp nhiều khó khăn khi vướng các quy định về kiểm tra Ethoxyquin. Nhiều doanh nghiệp đã bị trả hàng về, gây tốn kém tài chính cũng như công sức... Sang năm 2013, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản bắt đầu được cải thiện. 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 574,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012.
Cùng với thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh tại Mỹ, Australia... Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong danh sách nguồn cung tôm chế biến cũng như tôm nguyên liệu cho nước này.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, doanh thu thuần quý III năm 2013 của doanh nghiệp này đạt khoảng 3.650 tỷ đồng, tăng hơn 93% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân là do được hưởng khá nhiều lợi thế về thuế khóa tại thị trường Mỹ như không bị đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu...
Ngược với tôm, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm vẫn chậm hồi phục, giá cá nguyên liệu cũng nhiều biến động do thiếu nguồn cung. VASEP cho biết, ngoài một số thị trường nhỏ như Thái Lan, xuất khẩu cá tra vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây.
Cụ thể, VASEP dự kiến năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, xu hướng của xuất khẩu cá tra gần như biến động theo thị trường Mỹ.
Từ tháng 9 vừa qua, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà hàng. Do đó, lượng tiêu thụ cá tra cũng giảm theo dẫn tới tồn kho lớn, hiện các doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục nhập khẩu cá.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, giá cá tra nguyên liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động quanh mức 22.000 - 22.500 đồng, thấp hơn mức giá thành sản xuất từ 1.500 đến 2.000 đồng một kg.
Một số doanh nghiệp có thu mua với giá 23.000 - 23.500 đồng một kg, tuy nhiên theo ông Hải, giá cao là do doanh nghiệp mua nợ của nông dân thời gian dài. Trong trường hợp này, nông dân dù bán được giá cao nhưng rủi ro lớn, đồng thời phải trả lãi ngân hàng trong thời gian vay vốn. “Cuối cùng, nông dân cũng là người chịu lỗ nhiều nhất” - ông Hải khẳng định.
Theo Dân Việt