Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các doanh nghiệp yêu cầu từ ngày 1/11 những doanh nghiệp đã nhập khẩu các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây cỏ kế đồng) sẽ phải tái xuất.
Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan kiểm dịch phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu lẫn cỏ kế đồng trong số gần 4 triệu tấn lúa mì đã nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho biết, cỏ kế đồng là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm. Cây này hiện là đối tượng kiểm dịch thực vật của hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam do có nguy cơ cạnh tranh dinh dưỡng với các cây trồng nông nghiệp.
"Nếu trên một mét vuông cây trồng có 20-30 cây cỏ kế đồng sẽ làm giảm 25-75% năng suất của cây trồng đó", ông Trung nói và cho biết cây này có khả năng phát tán vô cùng nhanh. Một cây cỏ kế đồng có khoảng 5.000 hạt nên trong một ngày chỉ cần một cây phát tán hạt trên vùng trồng của Việt Nam sẽ nguy hiểm. Hạt của cây tồn tại trong nước 20 năm vẫn có thể nảy mầm.
Ông Trung cũng cho rằng, nếu các quốc gia đang nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam biết được cỏ kế đồng xuất hiện ở các vùng trồng, sản phẩm nông nghiệp như gạo sẽ bị ảnh hưởng.
Trước đó Cục Bảo vệ thực vật đã áp dụng các biện pháp giám sát từ cầu cảng đến kho bãi và sản xuất thành phẩm đối với doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì. Cục cũng đã cảnh báo để doanh nghiệp chủ động nhập hàng từ các quốc gia không bị nhiễm cỏ dại này.
"Theo thông lệ quốc tế và quy định của Việt Nam, Cục phải áp dụng biện pháp mạnh hơn là yêu cầu tái xuất các lô hàng này để ngăn chặn, bảo vệ nền sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu sang các nước", ông Trung nói và cho biết hiện chưa phát hiện cây này trên đồng ruộng của Việt Nam.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh có tới 27 loại cây trồng bị cạnh tranh dinh dưỡng bởi cỏ kế đồng. Ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Brazil... cỏ này xếp trong nhóm thực vật nguy hại và bị cấm.
Việt Nam từng tốn nhiều tiền và nhân lực cho việc xử lý các loài thực vật ngoại lai như cây trinh nữ đầm lầy hay bìm bôi hoa vàng. Các biện pháp như chặt bỏ, đốt, phun thuốc trừ cỏ gần như không tác dụng nhiều do điểm chung của chúng là khả năng sinh trưởng nhanh, mọc tái sinh mạnh sau khi bị chặt hoặc đốt.
Hạt của chúng có thể tồn tại, nảy mầm lâu dài và lan rộng qua nhiều hình thức: trôi theo dòng sông, dòng nước lũ, bám dính vào quần áo của người, vào lông của động vật, vùi lẫn vào cát bờ sông và từ đó được vận chuyển đến nhiều vùng khi khai thác cát cho công trình.