Gói viện trợ được cựu tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 30/12/2024, chủ yếu là tên lửa phòng không, đạn pháo phản lực HIMARS và các loại đạn pháo khác, đã sử dụng hết ngân sách cuối cùng trong Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
USAI đã phân bổ tổng cộng 32,7 tỷ USD để mua trang thiết bị quân sự mới cho Ukraine kể từ năm 2022. Trong dự thảo chi tiêu cho năm tài khóa 2025 được công bố trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Lầu Năm Góc chỉ đề nghị bổ sung khoảng 300 triệu USD vào quỹ này.
Công cụ còn lại để Mỹ chuyển giao vũ khí cho Ukraine là Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Giới chức Mỹ hôm 9/1 thông báo viện trợ trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa cho các hệ thống phòng không, vũ khí không đối đất và thiết bị hỗ trợ phi đội tiêm kích F-16, bằng ngân sách từ PDA. Đây cũng là gói viện trợ cuối cùng Washington dành cho Kiev dưới thời ông Biden.
Còn khoảng 3,8 tỷ USD chưa giải ngân trong tổng số 45,8 tỷ USD được Hạ viện Mỹ duyệt phân bổ cho PDA năm ngoái. Các gói viện trợ theo PDA sẽ trả tiền cho nhà sản xuất vũ khí Mỹ nhằm bổ sung kho dự trữ, thay vì trực tiếp mua khí tài mới để gửi đến Ukraine. Vì vậy, giá trị thực tế của thiết bị quân sự mà Lầu Năm Góc gửi cho Ukraine sẽ thấp hơn đáng kể so với mức 3,8 tỷ USD.
Hạ viện Mỹ khóa mới vẫn chưa phê duyệt ngân sách năm 2025, trong khi mọi quyết định viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tương lai sẽ do Tổng thống Donald Trump quyết định.
Sự phụ thuộc của Ukraine vào nguồn vũ khí viện trợ từ Mỹ có thể tạo ra đòn bẩy đáng kể cho ông Trump. Tổng thống Mỹ hồi đầu tuần đề cập phương án Kiev đổi khoáng sản lấy viện trợ vũ khí của Washington và nhận được thông điệp hưởng ứng từ người đồng cấp Ukraine Volodymyz Zelensky.
Vũ khí Mỹ đang là trụ cột giúp quân đội Ukraine cầm cự trước đà tiến quân của Nga ở các mặt trận, cũng như duy trì lưới phòng không bảo vệ nhiều khu vực quan trọng như thủ đô Kiev. Ông Zelensky thừa nhận vũ khí Mỹ viện trợ vẫn chiếm khoảng 40% tổng kho dự trữ của Ukraine, dù Kiev đã nỗ lực thúc đẩy mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Lầu Năm Góc tuyên bố phần lớn vũ khí cam kết đã được chuyển giao. "Tính đến ngày 10/1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bàn giao 89% các loại đạn dược quan trọng, 94% vũ khí chống tăng và 75% các loại đạn khác theo cam kết viện trợ cho Ukraine thông qua PDA", trung tá Charlie Dietz, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết.
Những lô khí tài còn lại sẽ được bàn giao dần trong thời gian tới, phần lớn trong số đó là thiết giáp cũ và xe cơ giới. "Lộ trình bàn giao những phương tiện chiến đấu quan trọng như pháo, thiết giáp Bradley, M113 và Humvee có thể kéo dài hơn do chúng cần được sửa chữa trước khi bàn giao", trung tá Dietz nói thêm.
Tuy nhiên, xe quân sự Mỹ lại không phải là nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine vào lúc này, mà là đạn pháo và tên lửa phòng không.
"Họ cần đạn pháo 155mm. Nó không phải thứ vũ khí hào nhoáng, nhưng pháo binh, năng lực tập kích tầm xa và những hệ thống phòng không đắt tiền mới chính là những gì Ukraine đang cần nhất", Kateryna Bondar, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho hay.
Thanh Danh (Theo Kyiv Independent, Reuters)