Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết liên quan đến phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ.
Theo cơ quan này, các nguồn tài chính trong nước đã được huy động tối đa nên không thể tiếp tục sử dụng kênh này để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nêu trên. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không cho phép vay ngoại tệ trực tiếp để cơ cấu các khoản nội tệ. Do vậy, để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn 2015-2016 việc phát hành khoảng 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, qua đó tái cơ cấu danh mục nợ.
Trái phiếu này sẽ có kỳ hạn 10-30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
"Thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước quy mô còn nhỏ, thanh khoản thấp trong khi nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới tương đối cao, nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước là rất cần thiết", Bộ Tài chính cho hay.
Từ năm 2017, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách sửa đổi để tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam "tốt nghiệp" IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới). Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ với tất cả các kỳ hạn, thay vì kỳ hạn 5 năm trở lên như hiện nay (khiến sản phẩm trên thị trường không đa dạng, tạo thách thức cho hoạt động huy động vốn của ngân sách Nhà nước).
Việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành và phát hành trái phiếu quốc tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra (đến năm 2020, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ).
Ngoài ra, chương trình này góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trong giới hạn cho phép là không quá 25% thu ngân sách hằng năm; tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế; giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp; giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái...
Huyền Thư - Chí Hiếu