Trong báo cáo đánh giá tác động gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra 2 kịch bản về ngân sách. Theo đó, dịch bệnh khống chế trong quý I, thu ngân sách giảm khoảng 18.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách có thể hụt thu tới 42.300 tỷ đồng nếu Covid-19 kéo dài hết quý II.
Quý I hết dịch | Quý II hết dịch | |
Ngân sách trung ương | 9.400 | 23.500 |
Ngân sách địa phương | 8.700 | 18.800 |
Tổng thu ngân sách giảm | 18.100 | 42.300 |
Đơn vị: tỷ đồng
Đây là hệ quả khi dịch bệnh tác động tới cả 3 khu vực thu ngân sách, gồm thu nội địa, xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.
Thu nội địa bị ảnh hưởng do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... chịu tác động trực tiếp và rất ít ngành duy trì hoạt động bình thường. Mặt khác, các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nguyên nhiên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng và kể cả các công ty đa quốc gia như Apple, Samsung, LG... sẽ gặp khó khăn khi dịch bệnh kéo dài 4-5 tháng hoặc lâu hơn. Cùng đó, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bị đình trệ do hạn chế đi lại và nhu cầu giảm, cũng làm giảm động lực sản xuất trong nước.
Thực tế điều này cũng thể hiện một phần trong báo cáo của Bộ Lao động, thương binh & xã hội, khi cơ quan này cho biết đã có hàng trăm doanh nghiệp giảm lao động, hoạt động cầm chừng vì Covid-19.
Khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thể giảm 15-20% so với dự toán của Quốc hội. Việc giảm thu ngân sách từ xuất nhập khẩu chủ yếu xuất phát từ giảm kim ngạch sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Nếu Covid-19 kết thúc vào quý I, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm 21%, nhập khẩu giảm 13%. Riêng mức sụt tại thị trường Trung Quốc tương ứng 25% và 12%.
Các dữ liệu này sẽ tương ứng giảm 20,5% và 14,6% nếu dịch kéo dài tới quý II. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 44,5% và nhập khẩu từ thị trường này giảm 12,5%.
Thu từ dầu thô chắc chắn cũng thấp hơn nhiều so với dự toán. Hiện giá dầu thế giới trồi sụt và dao động 50-52 USD một thùng do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu không như dự kiến.
Chưa kể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, ngân sách sẽ phải dành một khoản lớn để chi cho các hoạt động y tế, vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát dịch (bảo vệ an ninh khu cách ly, tuần tra biên giới...). Ngân sách sẽ phải tăng chi để kích cầu, duy trì đà tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét, qua dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và yếu, nhất là cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu tác động lớn từ bên ngoài. Vì thế, cơ quan này đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ngay một gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh.
Bộ Tài chính tính toán và nghiên cứu gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bán lẻ, sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản.
Bộ Công Thương trình Thủ tướng các giải pháp cụ thể đảm bảo thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng này. Các báo cáo này được đề nghị trình Thủ tướng trong tháng 2.
Anh Minh