Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng thu ngân sách 7 tháng ước đạt 500.800 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 397.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 21.600 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80.400 tỷ đồng.
Mặc dù thu từ dầu thô giảm mạnh song điểm sáng trong thu ngân sách 7 tháng là thu nội địa vẫn khả quan. Một số khoản trong nhóm này đạt khá như thu tiền sử dụng đất đạt 39.600 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 36.700 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 21.900 tỷ đồng, thu thuế công - thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 79.300 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đạt 79.100 tỷ đồng. Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 98.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước tính đạt 606.400 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 89.400 tỷ đồng, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435.500 tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 81.600 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD).
Như vậy, thâm hụt ngân sách sau 7 tháng là 105.000 tỷ đồng (4,7 tỷ USD). Trước đó, theo báo cáo chuyên đề về nợ công của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thâm hụt ngân sách của Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Theo CIEM, sau khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu năm 2009, ngân sách những năm gần đây có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi 65.800 tỷ đồng năm 2011 đã tăng mạnh lên 263.200 tỷ đồng năm 2015, tương ứng 6,1% GDP, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. So với một số nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ nợ công cao hơn so với một số nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Campuchia...