"Khi về tỉnh lẻ sống, thì nhiều người vẫn thuê trọ, lương cũng thấp cũng dư được quá ít. Nếu về quê, tôi không biết làm gì ngoài vài sào ruộng bấp bênh. Nhưng tôi cũng đồng ý với hướng nếu lao động ở thành phố lớn mà bon chen không đủ sống thì nên về quê thuê đất hoặc làm nhiều nghề cùng một lúc để sống mới có cơ hội thay đổi cuộc sống".
Độc giả Hiếu trăn trở về quê làm gì để sống sau bài viết Viễn cảnh tuổi trung niên ở Hà Nội chẳng có nhà, về quê cũng không xong với lời khuyến cáo "nếu không tính toán và chuyển hướng, sẽ dễ rơi vào cảnh trung niên ở phố chẳng được, về quê chẳng xong".
Kết quả của Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI)mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy Hà Nội là nơi có giá cả, mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam.
Độc giả Nguyễn Lê Sơn đặt vấn đề "nhiều người thấy Hà Nội đắt đỏ hơn là cơ hội kiếm tiền": "Năng lực có hạn mà lại bỏ nơi nhiều cơ hội việc làm để về tỉnh lẻ, về quê thì liệu bạn nhắm làm gì để đảm bảo thu nhập?
Nhiều người chỉ thấy đô thị như Hà Nội, Sài Gòn đắt đỏ mà không thấy chỉ ở đó mới dễ kiếm tiền. Về quê thì rẻ thật đấy nhưng rẻ được bao nhiêu? Liệu ở quê thu nhập có được như ở phố không mà hưởng chênh lệch?".
Cơ hội việc làm ở quê ít, là điều độc giả Hung Pham muốn nhấn mạnh: "Ai cũng biết về quê, hay về tỉnh lẻ nói chung thì giá cả rẻ hơn, không gian rộng rãi hơn, nhưng vấn đề là cơ hội việc làm ít hơn ở thành phố. Ở đó số lượng các công ty cần tuyển dụng nhân sự không nhiều, muốn có việc làm thì chủ yếu là làm ở khu công nghiệp hoặc buôn bán nhỏ".
Độc giả Nguyễn Trung Đức nói về những cơ hội ở thành phố:
"Thực tế là ở thành phố lớn thì cơ hội việc làm và cả cơ hội 'đổi đời' luôn nhiều hơn. Ở thành phố, một gánh xôi, một quán nước vỉa hè cũng có thể nuôi cả gia đình chứ về quê mà không có sẵn đất đai rộng, có sẵn nhà cửa thì tìm việc đủ nuôi sống gia đình cũng chẳng phải là việc đơn giản".
Ở khía cạnh khác, độc giả Hoàng lý giải tâm lý "ngồi lê phố" hơn về quê sống:
"Khi ta bắt đầu ở đâu thì dần dần sẽ quen nếp sống ở đó, quen văn hóa ẩm thực, nếp sống sinh hoạt, có một cái móng ở đó rồi rất ngại thay đổi, không dám nghĩ sẽ thay đổi khi mọi thứ dường như là yên bình.
Chỉ khi có một biến cố nào đó thì may ra mới thay đổi được, nhất là khi chúng ta học tập, lập nghiệp từ trẻ, chúng ta rất dễ thích nghi và càng cao tuổi hơn càng không muốn làm lại từ đầu từ nơi khác.
Cho nên nhiều chuyên gia cho rằng: nếu cho con đi du học từ sớm, tỷ lệ % không về là 99%, nếu đi du học từ thạc sĩ, tiến sĩ thì tỷ lệ về sẽ nhiều hơn nhiều. Ở thành phố về quê cũng tương tự".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.