Thống kê của The Banker dựa trên vốn cấp I - thước đo chính sức khỏe của mỗi ngân hàng. Số liệu này của ICBC đã tăng 15% lên 160,6 tỷ USD. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) cũng có vốn cấp I tăng 15%, lên 137,6 tỷ USD, chiếm vị trí thứ 5 của Citigroup.
HSBC là đại diện duy nhất của Anh lọt top 10, với vị trí thứ 4. Vốn của ngân hàng này là 151 tỷ USD với lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tại châu Á. Trung Quốc hiện có 96 đại diện trong top 1.000 và 4 đại diện trong top 10 là ICBC, CCB, Bank of China và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Đây cũng là các nhà băng có lợi nhuận lớn nhất danh sách.
Brian Caplen, Tổng biên tập The Banker cho biết: "Từ vài năm nay, hoạt động của các ngân hàng Mỹ và châu Âu đều bị co lại. Trong khi đó, nhà băng Trung Quốc lại ngày càng mở rộng nhờ sự phát triển của kinh tế trong nước. Tại hầu hết các tiêu chí, họ đều được điểm cao hơn. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều thách thức khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vài năm tới".
Tổng lợi nhuận của top 1.000 đã gần bằng mức trước khủng hoảng. Tuy nhiên, con số lại không được phân phối đều. The Banker cho biết: "Trước khủng hoảng, các ngân hàng châu Âu chiếm tới 46% lợi nhuận toàn cầu và 58% tổng tài sản. Giờ họ chỉ chiếm 43% tài sản mà thôi. Trong khi đó, tỷ lệ tài sản của các ngân hàng châu Á tăng từ 22% lên 35%, còn lợi nhuận tăng từ 19% lên 56%".
Một trong các nước châu Âu có hoạt động ngân hàng tốt nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với lợi nhuận tăng 37%. Trong khi đó, top 10 ngân hàng lỗ nặng nhất lại có tới 6 đại diện từ Tây Ban Nha.
The Banker là ấn bản tài chính quốc tế hàng tháng, thuộc sở hữu của tạp chí kinh tế Financial Times (Anh). Khảo sát Top 1.000 nhà băng hàng đầu thế giới của The Banker đã được công bố từ năm 1970.
Thùy Linh (theo BBC/People Daily)