Tình trạng trên khiến việc thụ tinh nhân tạo bị đình trệ. "Bệnh viện sắp hết tinh trùng. Chưa bao giờ người đi hiến lại ít như năm qua", Ann Thurin Kjellberg, trưởng khoa sản tại Bệnh viện Đại học Gothenburg, cho biết.
Sự thiếu hụt khiến người cần hỗ trợ sinh sản phải chờ đợi thêm sáu đến 30 tháng hoặc lâu hơn.
"Tôi thấy căng thẳng vì không biết phải chờ đến bao giờ", Elin Bergsten, một giáo viên 28 tuổi, chia sẻ.
Hai năm trước, Bergsten phát hiện chồng cô bị vô sinh và cặp đôi tìm đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, quá trình bị trì hoãn vô thời hạn do tình trạng thiếu tinh trùng.
"Hiện tượng này xảy ra trên toàn quốc. Gothenburg, Malmo đã hết nguồn cung và Stockholm sớm muộn cũng vậy", bà Kjellberg cho biết.
Một số phòng khám tư vẫn tiến hành thụ tinh nhân tạo nhờ mua tinh trùng từ nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí ở những nơi này rơi vào khoảng 11.785 USD, vượt tầm với của nhiều người, trong khi tại các bệnh viện công, dịch vụ này lại miễn phí.
Thụy Điển và Bỉ là hai nước có tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cao nhất thế giới, theo Hiệp hội Sinh sản và Phôi thai học châu Âu. Theo luật Thụy Điển, một mẫu tinh trùng chỉ có thể được sử dụng cho tối đa 6 phụ nữ. Các mẫu hiện đã đạt giới hạn này, khiến nhiều phụ nữ bị mất cơ hội, trừ khi họ đã nhận một mẫu tinh trùng từ trước.
Margareta Kitlinski, trưởng khoa sinh sản Bệnh viện Đại học Skane, cho biết mất khoảng 8 tháng để xét nghiệm một người hiến tặng. Nhiều mẫu tinh trùng không thể dùng được do các vấn đề bảo quản.
"Trong 50 người đàn ông, chỉ một nửa đủ điều kiện hiến tặng", Kitlinski cho biết.
Để cải thiện vấn đề, một số khu vực ra thông báo trên mạng xã hội, khuyến khích nam giới đi hiến tặng, nhưng sự thiếu hụt vẫn còn đó.
"Chúng tôi cần lên truyền hình và kêu gọi đàn ông Thụy Điển vào cuộc", bà Kjellberg cho hay.
Mai Dung (Theo Reuters)