Trong báo cáo Cập nhật kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đưa ra hôm nay, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam đang dần bước vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, nhờ các biện pháp của Chính phủ đưa ra trong tháng 2/2011.
Tuy nhiên, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với yếu tố từ bên ngoài đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011 và tiếp tục hạ còn 4,0% trong quý đầu năm 2012. World Bank đưa ra dự báo GDP cả năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, ở mức 5,7%, trước khi phục hồi lên 6,3% vào năm sau. Lạm phát được nhận định sẽ dưới 10%.
Thâm hụt tài khoản vãng lai ước tính giảm 0,5% GDP trong năm 2011 từ mức 4,1% trong năm 2010 chủ yếu do sự hồi phục của xuất khẩu trên diện rộng. Kim ngạch xuất khẩu tăng vọt lên 34,2% trong năm 2011 và tiếp tục tăng. Quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cao hơn 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực lên tỷ giá hối đoái tiếp tục giảm khi niềm tin vào tiền đồng đã dần được cải thiện, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định. Tỷ giá hối đoái không chính thức vẫn ở tiệm cận dưới của chênh lệch cộng trừ 1% quanh tỷ giá chính thức kể từ khi có sự mất giá 8,5% đồng Việt Nam so với USD vào tháng 2/2011. Nguồn cung tăng của đồng đôla Mỹ trên thị trường đã cho phép Ngân hàng Nhà nước bổ sung dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm 2012 lên đến gần 7,5 tuần nhập khẩu.
Về nợ công, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài. Sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước - những khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh.
World Bank nhận định thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời phải giải quyết các vấn đề về cải cách cơ cấu dài hạn. Ngay cả khi chỉ thực hiện một phần của các cải cách cơ cấu, Việt Nam cũng cần phải trở lại với một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn, đồng thời đặt nền móng cho hiệu quả và năng suất cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Thanh Bình