Tại hội thảo Giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và hướng đi cho doanh nghiệp trong tình hình suy giảm kinh tế do Ủy ban Trung ương hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tối 15/7, ông Trần Xuân Mai, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Nam Định cho biết, công ty ông tổ chức sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở nhiều địa phương trong nước, sử dụng chủ yếu là người lao động ở nông thôn. Nhưng mấy tháng rồi, đơn vị không vay được vốn ngân hàng. Dù Nhà nước có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng khi đến gõ cửa “các ngân hàng đều than không có vốn để cho vay".
Công ty ông Mai đã ký hợp đồng xuất khẩu trị giá hơn 7 triệu USD. Không vay được tiền của ngân hàng, đường cùng, ông đành ra ngoài vay với lãi suất lên đến 9% một tháng (tương đương 108% một năm) để xoay sở trong lúc khó khăn nhất.
"Chúng tôi luôn mong muốn Nhà nước đã có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả vay vốn thì nên ưu tiên cho vay thật chứ không phải trên giấy tờ. Bởi không tìm được vốn vay thì mất đơn hàng, người lao động sẽ mất việc làm”, ông Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ Lý, Chủ nhiệm câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Kom Tum cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng, hiện tồn tại tình trạng doanh nghiệp bong bong, không có tiền để đầu tư, buộc phải vay nóng tín dụng đen để cầm cự.
"Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ bị vỡ hoàng loạt, ảnh hưởng đến nền kinh tế", bà Huệ nhấn mạnh.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch hội thừa nhận, hiện nay doanh nghiệp đang rất vất vả tìm vốn để duy trì sản xuất, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
Một số chuyên gia và nhà quản lý ủng hộ chủ trương siết tín dụng cho rằng thời khắc khó khăn cũng là lúc sàng lọc doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Thắng không đồng tình với quan điểm này.
"Vì nếu sàng lọc mà lợi ích rơi vào tay tập đoàn nước ngoài thì phản tác dụng", ông nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp tồn tại một cách cầm cự vì thiếu vốn. Ảnh: PV |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, Chính phủ nên xem xét và có chính sách hỗ trợ cho các ngành cần khuyến khích phát triển như sản xuất, xuất khẩu.... chứ không nên giao phó hết cho ngân hàng. Bởi bản thân các nhà băng hiện nay cũng có vấn đề cần giải quyết.
Trong đó, ông lưu ý đến con số tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong những tháng đầu năm. Có khả năng các nhà băng đã dùng hạn mức cho vay để đảo nợ, hạch toán lãi vào vốn gốc...nên tín dụng chỉ tăng trên giấy tờ chứ thực sự không đi vào nên kinh tế. Do đó, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến tiềm lực tài chính yếu, phải thu hẹp hoạt động, bán bớt dự án hoặc tìm kiếm đến nguồn vốn từ nước ngoài.
"Tranh thủ cơ hội này, các nhà đầu tư ngoại, với thế mạnh về vốn sẽ tăng cường thâu tóm những dự án giá rẻ. Nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp nội lọt vào tay các đại gia ngoại và nằm dưới sự kiểm soát của họ là điều khó tránh khỏi", ông Sơn cảnh báo.
Trước những khó khăn trên, ông Đặng Xuân Huy, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Đồng Tháp cho rằng, Chính phủ nên kéo dài thời gian nộp thuế sang năm sau. Đồng thời có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho các công ty vượt qua cơn bĩ cực.
Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Long An Trịnh Văn Hải cũng kiến nghị, việc thắc chặt tín dụng đối với bất động sản cần xem xét lại. Chẳng hạn đối với các dự án xây dựng Khu công nghiệp là đang tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội nên cần phải có sự ưu đãi.
Đồng quan điểm, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa, cho rằng, Thông tư 19/NHNN đưa ngành chứng khoán và bất động sản vào rủi ro 250% và là loại hình phi sản xuất là chưa hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, theo ông, Chính phủ cần rà lại các dự án của các doanh nghiệp đang đầu tư dang dở, nhưng hiệu quả để cung ứng vốn đầu tư tiếp nhằm thu lại lợi nhuận. Đối với những đơn vị trực thuộc Nhà nước cũng cần đánh giá hiệu quả và ngưng bơm tiền nếu dự án không khả thi.
Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch hội doanh nhân trẻ Đắc Lắc cho rằng, hiện nay, trong khi doanh nghiệp thì đang gồng mình lên tiết kiệm tối đa chi phí thì việc cắt chi tiêu công chưa quyết liệt, và không minh bạch, bởi những số liệu công bố rất chung chung không cụ thể. Ông cho rằng, không phải ngồi xem sổ sách mà cắt được bởi đây là số mệnh của những người lao động thực tế.
"Phải có lộ trình làm, nên coi thử thách này như một cơ hội để cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách quyết liệt và rõ ràng hơn. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư nhân", ông Tuệ nói.
Chính sách phù hợp thực tiễn, đồng bộ cũng là mong muốn của ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bến Tre. Theo ông Huy, doanh nghiệp sợ nhất là chính sách thiếu sự nhất quán, khiến nhiều chính sách đẹp nhưng rất "cô đơn".
"Có nhất thiết phải điều chỉnh giá xăng, giá điện gần như cùng lúc với tỷ giá với mức rất cao như vừa qua. Nếu chính sách được thiết kế đứng trên lợi ích của toàn nền kinh tế và trong khoảng thời gian dài thì sẽ có sức thuyết phục hơn nhiều", ông chia sẻ.
Lệ Chi