Số liệu chi tiết về tín dụng đổ vào hai lĩnh vực này thời gian qua được ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại họp báo chiều 22/4.
Đến ngày 16/4, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2020, trong đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản sau 3 tháng đầu năm chỉ là 3%, dù cao hơn năm 2020 do bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn thấp hơn những năm trước đó.
Tương tự với chứng khoán, ông Tuấn Anh cho biết tổng dư nợ cho vay chứng khoán hiện là 45.300 tỷ đồng (chỉ chiếm 0,5% tổng dư nợ của nền kinh tế).
"Với quy mô tổng dư nợ 9,5 triệu tỷ đồng, mức cho vay chứng khoán này không phải quá cao. Nhưng vì là lĩnh tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chúng tôi vẫn sẽ tăng cường chỉ đạo giám sát để siết chặt", đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.
Vị này cũng nêu một số công cụ kiểm soát rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán đã được cơ quan này áp dụng. Chẳng hạn, giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ...
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tuần trước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tốc độ tăng tín dụng vào bất động sản đã chậm lại. Dư nợ tín dụng đầu tư chứng khoán hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng đầu tư của các ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng nhỏ và thực tế được kiểm soát như với khoản cấp tín dụng.
Ngoài siết tín dụng bất động sản, chứng khoán theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định còn "quản" chặt dòng tiền đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, BOT giao thông.
Kỳ Duyên