Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 đồng mỗi USD, giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng (sàn) đến 22.106 đồng (trần).
Theo lý giải của cơ quan này, năm 2015, ngay từ đầu năm, trên cơ sở phân tích, dự báo dựa trên các cân đối vĩ mô được đưa ra của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá tăng không quá 2%.
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 2 lần với tổng mức 2% từ 21.246 đồng lên 21.458 đồng ngày 7/1 và lên 21.673 đồng vào ngày 7/5, nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Nhờ đó, tình hình ngoại hối ổn định và hoạt động thông suốt, các nhu cầu hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được hệ thống các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời.
Nhà điều hành cũng phân tích thêm, từ đầu năm đến nay, diễn biến kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn như việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây một phần do quan hệ cung cầu nhưng chủ yếu vẫn do các yếu tố chính trị tạo ra.
Song song đó là sự cộng hưởng của việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của FED. Trên cơ sở phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ tổng thể của kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá theo định hướng đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, với việc đồng Nhân dân tệ (CNY) được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. "Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam", bảng thông cáo nhận định.
Vì vậy, để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng biên độ tỷ giá USD/VND thêm 1%.
Trong thời gian tới, cơ quan này cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
Ngay sau quyết định này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giá mua bán USD tăng mạnh. Vietcombank công bố giá bán USD lúc 9h30 tăng 206 đồng, lên 22.046 đồng. Còn mua vào tăng 180 đồng, lên 21.960 đồng. Thậm chí, Eximbank còn cao hơn Vietcombank khi bán ra chạm 22.100 đồng mỗi USD và mua vào 22.000 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD đang biến động mạnh. Chủ một điểm thu đổi đôla Mỹ tại đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM cho biết, mỗi USD lúc 9h40 được mua bán với mức 21.950-22.150 đồng nhưng đây chỉ là giá tạm. "Hiện tại, giá USD đang nhảy loạn xạ nên chưa có giá ổn định. Khoảng một tiếng đồng hồ nữa mới có thể đưa ra mức giá chuẩn vì vậy lúc này chưa nên giao dịch", ông khuyến cáo.
Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá là vào ngày 11/2/2011, khi đó biên độ giao dịch được giảm từ +/-3% xuống +/-1%. Cùng với đó, cơ quan quản lý đã nâng tỷ giá liên ngân hàng ở mức cao kỷ lục là 9,3%, từ 18.932 đồng lên 20.693 đồng.
Biên độ hẹp +/-1% này đã được duy trì gần 5 năm qua. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước lúc đó về quyết định hạ biên độ tỷ giá là nhằm hạn chế những biến động quá lớn của tỷ giá giao dịch trong ngày, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng; đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu điều hành chủ động, linh hoạt.
Lệ Chi