Thị trường tài chính châu Á và châu Âu đã đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại về thông điệp đằng sau động thái hỗ trợ nền kinh tế và xuất khẩu của nước này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết đây chỉ là động thái điều chỉnh "một lần" (one-off), dựa trên cơ chế quản lý tỷ giá mới bám sát thị trường hơn. Tuy vậy, việc này đã đẩy NDT xuống đáy gần 3 năm so với USD.
Đôla Australia đã giảm 0,9% so với USD hôm nay. Đôla Singapore cũng chạm đáy 5 năm so với đồng bạc xanh, trong khi ringgit Malaysia và rupiah Indonesia xuống thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 17 năm trước. Yen Nhật cũng xuống đáy 2 tháng so với USD, tại 125,08 yen đổi một USD.
"Việc hạ giá NDT sẽ không chấm dứt ở đây đâu. Những đồng tiền như đôla Singapore, won Hàn Quốc và Đài tệ - vốn đối chọi với NDT - cũng đang mất giá. Động thái hôm nay có thể khiến nhiều người nghĩ đến sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh tiền tệ", Masafumi Yamamoto - chiến lược gia cấp cao tại Monex nhận xét.
Giới phân tích cho rằng phản ứng của Mỹ về việc này rất quan trọng và sẽ được theo dõi sát sao. Từ nhiều năm nay, Washington đã gây áp lực buộc Bắc Kinh thả nổi tiền tệ để cho phép NDT tăng giá, phản ánh đúng sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Nhưng hiện nay, kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và cơ chế tỷ giá mới lại cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc đẩy NDT đi xuống. Việc này lại diễn ra đúng thời điểm Mỹ chuẩn bị nâng lãi suất, có thể khiến USD càng mạnh lên.
Chứng khoán châu Âu hôm nay cũng giảm điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300 mất 0,5%, chủ yếu do các hãng xe và hãng sản xuất hàng xa xỉ. Sản phẩm của các công ty này sẽ đắt đỏ hơn khi xuất sang Trung Quốc.
Thị trường châu Á cũng chịu tình cảnh tương tự. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương sau đầu phiên tăng điểm đã quay đầu giảm 1,2% - xuống thấp nhất từ tháng 2/2014. Chỉ số Nikkei Nhật Bản cũng mất 0,4% và Kospi Hàn Quốc giảm 0,8% xuống đáy một tháng.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu các hãng hàng không và nhập khẩu mất giá, trong khi các hãng xuất khẩu lại tăng. Chỉ số CSI300 - gồm 300 công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến mất 0,4%. Trong khi Shanghai Composite gần như đứng yên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện là quốc gia đi vay nước ngoài nhiều nhất châu Á. Các công ty nước này đang vay 529 tỷ USD bằng cả USD và euro. Vì vậy, việc hạ giá NDT sẽ khiến khối nợ của họ tăng thêm 10 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg, do NDT yếu sẽ làm tăng chi phí khi đổi ra ngoại tệ để trả tiền vay.
Hà Thu (theo Reuters)