Những ngày qua, việc 7 ngân hàng gồm cùng nhau giành quyền kiểm soát kho cà phê chỉ còn lại 1.500 tấn của Công ty Trường Ngân (trong đó phân nửa là vỏ và tạp chất, thậm chí tro trấu và đất cát độn hàng…) lại đặt ra nhiều lo lắng về hoạt động cho vay - thế chấp hàng hoá.
Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự cho rằng, nguyên nhân sự viêc xuất phát cả từ phía khách vay lẫn ngân hàng. Bản thân doanh nghiệp vay vốn có thể đã cố tình làm sai, cùng lúc dùng một nguồn hàng thế chấp tại nhiều ngân hàng, rút ruột hoặc làm giả hàng thế chấp...Về phía các nhà băng là do hệ thống chất lượng về kiểm soát tài sản đảm bảo và kết nối giữa các ngân hàng với nhau còn yếu kém. "Đây là rủi ro lớn trong việc thế chấp bằng hàng hóa của ngân hàng", ông Hậu nói.
Theo Luật sư Hậu, những vụ việc kiểu trên từng xảy ra mấy chục năm nay chứ không phải mới, nhưng đáng tiếc là giờ vẫn không khắc phục được. "Ngành ngân hàng có rất nhiều tổ chức, cơ quan quản lý nhưng tại sao vẫn chưa khắc phục những yếu kém này", ông Nguyễn Văn Hậu đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP HCM phân tích thêm, tài sản thế chấp là hàng hóa thường có ba loại: cho vay đảm bảo bằng hàng tồn kho có sẵn, cho vay bằng hàng tồn kho hình thành trong tương lai và cuối cùng là cấp vốn luân chuyển (chủ yếu dựa vào uy tín của doanh nghiệp còn hàng tồn kho là phụ, nhưng với điều kiện nguồn tiền thu về của doanh nghiệp phải qua tài khoản ngân hàng).
"Có thể một số nhà băng trước đó cho vay chủ yếu dựa vào phương án và khả năng trả nợ tốt của doanh nghiệp, còn tài sản thế chấp chỉ là phụ, hoặc là có sự cố tình làm sai quy định về cho vay dẫn đến sự việc ngày hôm nay", ông Chí nhận xét.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho biết, trong sự việc này đã có ngân hàng làm sai quy định. Vài năm trước đây, nhiều nơi sẵn sàng hạ chuẩn tín dụng để chạy đua tăng trưởng nóng đặc biệt với các khách hàng lớn có nguồn thu ngoại tệ lớn như Trường Ngân hay Thủy sản Bình An, Thủy sản Phương Nam...
Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng đã sai khi cố tình hạ chuẩn tín dụng, lơ là khâu quản trị rủi ro khi cho vay như vậy. Tuy nhiên, điều đáng trách hơn là cách hành xử khi có tranh chấp xảy ra, các nhà băng lại cử người tranh giành thậm chí suýt ẩu đả chỉ để giành quyền kiểm soát kho hàng.
Theo luật sư Hậu, thay vì hành xử như vậy, lẽ ra Hiệp hội ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cùng các nhà băng liên quan cần ngồi lại với nhau để làm rõ tính đúng sai trong quy trình cho vay. "Nếu đơn vị nào cho vay sai quy định, Ngân hàng Nhà nước phải xử phạt hành chính và đưa ra các biện pháp mạnh để răn đe các nhà băng khác. Sau đó, căn cứ vào pháp luật để giải quyết vụ việc", ông Hậu chia sẻ.
Bình luận về hành động tự giành quyền kiểm soát kho hàng, gây mất an ninh trật tự của 7 nhà băng trong những ngày qua, Luật sư Hậu cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được. "Từ trước tới giờ, tôi chưa từng chứng kiến ngân hàng nước ngoài nào có hành động như vậy. Việc này làm hình ảnh của các nhà băng Việt Nam xấu đi với công chúng".
Với tư cách là một chuyên gia tài chính từng làm việc nhiều năm ở Mỹ, ông Nguyễn Trí Hiếu gọi kiểu hành xử này là "thiếu chuyên nghiệp". Theo ông, một tổ chức tín dụng dùng vũ lực để cản trở phát mại tài sản như vậy sẽ làm mất niềm tin của người dân.
Vị chuyên gia này cũng phân tích, công chúng sẽ không quan tâm nhiều đến kết quả tranh chấp giữa các bên. Thay vào đó, họ đánh giá nhà băng này ứng xử có tương xứng với vị thế của một định chế tài chính lớn, đang nắm trong tay hàng nghìn tỷ đồng vốn huy động từ dân chúng hay không.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng nên dựa vào luật để giải quyết thay vì xô xát, ẩu đả. "Nếu cứ để tình trạng tranh giành này tiếp diễn sẽ gây mất hình ảnh cho chính các ngân hàng và gây rối an ninh trật tự trên địa bàn", ông nói.
Từ sự việc trên, Luật sư Hậu cho rằng, thời gian tới các ngân hàng cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn về nguồn dữ liệu; cần phải hình thành các hãng kho vận uy tín trung gian để đảm bảo về chất lượng và số lượng hàng hóa khi cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho. Ngoài ra, các nhà băng phải đào tạo nghiệp vụ pháp lý, nâng cao kinh nghiệm của cán bộ ngân hàng trong việc phòng rủi ro cho vay, đặc biệt trong khâu quản lý, kiểm tra giám sát hàng hóa thế chấp cho vay.
Thế nhưng, trên thực tế sau nhiều vụ tranh chấp về kho hàng xảy ra, nhiều nhà băng thay vì tìm cách khắc phục những nhược điểm trong quy trình cho vay thế chấp bằng hàng hoá lại quay sang phòng thủ.
Lãnh đạo nhiều nhà băng khi trao đổi với VnExpress.net đều khẳng định không dám cho vay thế chấp bằng hàng hóa vì rất rủi ro trong quản lý tài sản đảm bảo. "Trừ phi là doanh nghiệp vô cùng thân quen, còn lại giờ ít người dám cho vay bằng hàng hóa. Phần lớn các nơi chỉ nhận tài sản đảm bảo là bất động sản", cán bộ tín dụng một ngân hàng cổ phần trụ sở tại Hà Nội cho biết.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhiều doanh nhân, cách hành xử của ngân hàng trong mối quan hệ tín dụng với doanh nghiệp cũng cần bàn tới. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô vừa ở Hà Nội, khi thu hồi nợ, việc ngân hàng có thể phải vận dụng bách nghệ để đòi được tiền từ con nợ cũng là dễ hiểu nhưng không vì thế mà họ "quay ngoắt" với các doanh nghiệp tốt khác.
Theo ông, chính vì cách thay đổi khẩu vị rủi ro quá nhanh này của ngân hàng mà nhiều công ty thêm khó khăn trong tiếp cận vốn. "Trên thế giới, việc cho vay vốn lưu động đảm bảo bằng hàng hóa là rất phổ biến. Nhưng gần đây nhiều ngân hàng quay lưng hẳn và từ chối hình thức cho vay này khiến những doanh nghiệp tốt cũng ảnh hưởng theo", giám đốc doanh nghiệp xuất nhập khẩu chia sẻ.
Lệ Chi - Thanh Lan