Cán bộ thông tin của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV cho hay, thông thường tiền của ngân hàng được để trong két sắt trước khi đưa vào xe chuyên dụng. Tuy nhiên sáng 3/7, số tiền chuyển đến chi nhánh An Dương Vương, quận 5 chỉ có 4 tỷ nên ngân hàng đã để trong bao. Khi tiền chuyển từ trong xe ra, bọn cướp đã nã đạn. "Đây là một sự việc bất ngờ, lần đầu tiên xảy ra đối với ngân hàng và đối với các nhà băng tại TP HCM", ông nói.
Trước vụ cướp táo tợn, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank) cũng tỏ rõ sự lo ngại. Theo ông Bình, thông thường khi chuyển tiền đến ngân hàng, xe phải lùi xuống hầm bảo vệ mới được phép đưa tiền ra. Nhưng thực tế hiện nay ở TP HCM, nhiều chi nhánh ngân hàng không có tầng hầm do thuê mặt bằng rất khó khăn.
Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Đặng Văn Thành vừa đi công tác ở Mỹ về cũng giật mình khi nhận được tin. "Trước đây, bọn cướp chỉ hoạt động tại vùng ven đô hoặc ra tay với người rút tiền ngân hàng, nhưng đến nước này nghĩa là chúng không từ thủ đoạn nào", ông nói.
Theo nhiều lãnh đạo nhà băng, trước kia để bảo đảm an ninh mỗi ngân hàng đều được trang bị súng, đạn kèm theo xe chở tiền. Tuy nhiên, theo quy định mới, ngân hàng không còn được phép dùng súng có đạn nên bài toán an ninh khi vận chuyển tiền càng khiến họ đau đầu hơn.
![]() |
Chi nhánh ngân hàng đã bị cướp sáng 3/7. Ảnh: An Nhơn. |
Ngân hàng tự bảo vệ mình
Trong hoàn cảnh như thế, để bảo đảm an toàn khi vận chuyển, ông Trần Phương Bình cho hay, trên xe chở tiền của ngân hàng này lúc nào cũng phải có ít nhất 4 người gồm tài xế, người giữ két, bảo vệ và nhân viên an ninh chuyên trách của ngân hàng. Tiền sẽ được đựng trong két sắt có mã số riêng nên chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở két. Khi vận chuyển phải sử dụng xe chuyên dụng có 2 lớp, thùng xe bọc kín.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương chi nhánh TP HCM cũng cho biết, ngoài cách bảo vệ như trên ngân hàng này còn thuê thêm lực lượng an ninh mỗi khi vận chuyển tiền; đồng thời trang bị thêm các dụng cụ hỗ trợ như súng hơi cay, dùi cui, roi điện... Trước khi mở cửa xe, quy định của ngân hàng là nhân viên vận chuyển phải quan sát thật kỹ phòng khi cướp khai thác những sơ hở của người vận chuyển. Mỗi khi Vietcombank tiếp tiền vào máy ATM, tất cả những người không có trách nhiệm đều phải dạt ra thật xa.
Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ông Đặng Văn Thành tiết lộ, ông đã tham quan quy trình vận chuyển tiền của các ngân hàng HongKong và đem áp dụng nó vào Sacombank, theo đó chỉ khi vào đến kho thì người chịu trách nhiệm mới được quay mã số két.
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, thông thường thời gian tiếp tiền và điều tiền của các ngân hàng là lúc 8h sáng và 5h chiều. Đây là thời điểm cố định và không thể dịch chuyển. Chính vì vậy bọn cướp thường lợi dụng và hành động chớp nhoáng, mà vụ cướp sáng nay là một ví dụ. "Vì tính chất nhạy cảm nên ngân hàng rất cần được trang bị súng để phòng vệ", ông Bình kiến nghị.
Chiều nay, lãnh đạo ngân hàng bị cướp BIDV đã có cuộc họp khẩn bàn giải pháp siết chặt an ninh các chi nhánh trên địa bàn TP HCM. Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP HCM cũng tức tốc gửi văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thành phố khi vận chuyển tiền phải có đủ phương tiện bảo vệ cần thiết như xe chuyên dùng, két sắt, an ninh.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM đã liên tiếp xảy ra gần 10 vụ cướp sử dụng vũ khí nóng, trong đó có 4 vụ cướp tiệm vàng ngay giữa ban ngày như: Kim Lý, Ngọc Châu....
Ánh Hồng