Ông mất sớm, một mình bà nuôi sáu người con. Cậu là con trai duy nhất, không bắt buộc phải nhập ngũ. Tuy nhiên, cậu tình nguyện ra chiến trường và lên đường năm 1968. Khi đó, cậu mới ngoài 20, chưa vợ con.
Biền biệt mấy năm không tin tức, một ngày bà nhận được giấy báo tử: cậu hy sinh vào ngày 11/6/1972 trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Gần hai năm sau, bà nhận được bằng Tổ quốc ghi công - liệt sĩ Hà Văn Kỳ, Thượng sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Trong tập giấy đã ố màu, một vài thông tin không đầy đủ về cậu được mẹ chồng tôi ghi lại: lính trinh sát Trung đoàn 42, Sư đoàn 7 mật danh "Công trường 7", miền Đông Nam Bộ; tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972; chốt chặn Quốc lộ 13, ngã ba Chơn Thành; đánh trận Lộc Ninh (tỉnh Bình Long).
Những thông tin này đều được gia đình gửi cho các đơn vị tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhưng suốt nhiều thập kỷ, bà tôi không có tin tức gì về thêm. Không hài cốt, không một kỷ vật, tất cả những gì còn lưu lại về con trai bà là tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Mỗi tháng 7 về, bà càng day dứt. Để an ủi, gia đình tôi động viên nhau rằng cứ nghĩ cậu đang ở vùng đất cậu đã chiến đấu và ngã xuống, đã hòa vào cây cỏ, mây trời... Giống như người đang sống, có bà con, hàng xóm, cậu cũng có đồng đội.
Nhưng dù vậy, chúng tôi biết nỗi đau trong lòng bà không thể nguôi ngoai.
Bà tôi là một trong hàng trăm nghìn gia đình chưa tìm được hài cốt của người thân đã hy sinh trong chiến tranh. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay có 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.
Hôm 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nói ngân hàng gene nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN cho khoảng 20.000 mẫu, phấn đấu xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.
Theo ông, cần dựa vào khoa học công nghệ để đẩy mạnh công việc này với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của thế hệ sau với cha anh đi trước, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, dân tộc.
Lúc đọc thông tin này, trong tôi trộn lẫn nhiều cảm xúc khó diễn đạt. Ngân hàng gene có lẽ là hy vọng cuối cùng trong hành trình dài hàng chục năm đi tìm người thân của các gia đình liệt sĩ. Chứng kiến nhiều người chờ đến lượt lấy mẫu ADN, tôi lại nhớ đến nỗi khắc khoải của bà. Ước gì bà, mẹ chồng tôi và các dì còn sống để lấy mẫu, chí ít để biết rằng cậu tôi vẫn còn hy vọng tìm lại được, với những nỗ lực của các nhà chức trách.
Nay cậu chỉ còn các cháu ngoại, việc xét nghiệm theo huyết thống trở nên khó khăn hơn. Khoảng cách thế hệ càng tăng thì việc xác định huyết thống qua gene và ADN càng khó, bởi qua các thế hệ sẽ có sự biến đổi, pha trộn gene, mức độ tương đồng gene giảm dần.
Ra mắt ngân hàng gene liệt sĩ là một nỗ lực của Chính phủ và bộ, ngành, nhưng một việc quan trọng không kém là đẩy nhanh thu thập thông tin ADN của người thân. Ngành chức năng, các địa phương cần chủ động và có thêm chính sách hỗ trợ các gia đình liệt sĩ từ việc đưa thông tin rộng rãi đến tài trợ đi lại để đảm bảo việc thu nhận mẫu gene được thuận tiện và nhanh nhất.
Sau hơn 70 năm mong ngóng tìm hài cốt của người thân, mẹ, vợ, anh chị em ruột của các liệt sĩ sẽ không còn nhiều thời gian; thậm chí nhiều gia đình đã gần như không còn chờ nổi như bà, các chị em gái của cậu tôi.
Nếu chỉ có gene của liệt sĩ nhưng không có gen của người thân để đối sánh thì mãi mãi các anh vẫn sẽ là những người lính "vô danh".
Lê Tuyết