Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 về hoạt động thẻ ngân hàng.
Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung từ ngày 31/3/2021, các tổ chức phát hành thẻ chỉ được phát hành thẻ nội địa mới là thẻ chip. Điều này đồng nghĩa thẻ từ nội địa sẽ không được phát hành song song như hiện nay.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, quy định này sẽ khiến các ngân hàng tích cực hơn trong công tác phát hành thẻ chip mới và bố trí nguồn lực, kinh phí hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Yêu cầu này cũng ngăn ngừa hiện tượng một số ngân hàng tiếp tục phát hành thẻ từ, làm ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa.
"Quy định có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 3 năm sau là tạo một khoảng thời gian cho ngân hàng triển khai các biện pháp phù hợp để dừng phát hành thẻ từ, tập trung phát hành thẻ chip", Vụ Thanh toán phân tích.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ của các tổ chức thanh toán phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa được dời đến cuối năm 2021, thay vì 2020 như quy định hiện tại. Việc gia hạn là "để phù hợp với tiến độ triển khai thực tế về chuyển đổi các thiết bị chấp nhận thẻ của ngân hàng".
Thẻ từ là loại thẻ sử dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính, lưu trữ dữ liệu ngay trên dải băng từ ở trên mặt sau của thẻ. Còn thẻ chíp được áp dụng công nghệ gắn chip điện tử kèm bộ vi xử lý, giống như một máy tính thu nhỏ nhưng độc lập với máy chủ và có thể mã hóa các thông tin quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.
Tính đến cuối quý III năm nay, có 93,78 triệu thẻ nội địa đang lưu hành.
Phương Đông