Với doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng, nếu không phải báo cáo "room" ngoại có nghĩa họ sẽ không được quyền "khóa room" để giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài như hiện nay.
Theo quy định hiện hành, room ngoại tối đa với ngân hàng là 30%. Hầu hết nhà băng đều tự giới hạn room dưới mức này (như HDBank là 21,5%, VPBank là 15%...) để dành phần còn lại phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Luật Chứng Khoán 2019 có hiệu lực từ năm 2021. Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP HCM nhận định, thay đổi này có thể xuất phát từ việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước muốn minh bạch vấn đề room ngoại bởi trước đó đã có quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu cho từng ngành nghề. Hơn nữa, việc không cho doanh nghiệp khoá room cũng là biện pháp tăng thanh khoản và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ nếu họ muốn giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngân hàng niêm yết có nền tảng cơ bản tốt và đang duy trì room ngoại thấp hơn quy định, sẽ mất nhiều hơn được nếu điều chỉnh này có hiệu lực.
Room ngoại mở ra sẽ hút dòng tiền của khối ngoại, nhưng không phải ai trong số đó cũng có tầm nhìn dài hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ quan tâm đến việc kiếm lời từ các giao dịch mua bán. "Trong khi đó, ngân hàng nào cũng muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tận dụng nguồn lực quản trị, nhân sự có kinh nghiệm, hệ thống công nghệ hiện đại... giúp họ phát triển", vị này lấy ví dụ.
Quá trình tiếp cận giữa các ngân hàng với đối tác chiến lược thường kéo dài vì các bên chưa tìm được tiếng nói chung ở mức giá chào bán. Việc không được tự quyết định room ngoại cũng khiến ngân hàng thất thế trong việc đàm phán, bởi khi đó các nhà đầu tư tổ chức có thể chủ động giá mua cổ phiếu thông qua sàn hoặc giao dịch thoả thuận.
Trong quá khứ, các ngân hàng huy động vốn trực tiếp bằng phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài luôn công bố giá bán cao hơn giá thị trường. Điển hình như Vietcombank bán 15% cổ phần khi giá thị trường là 27.400 đồng nhưng giá bán nhỉnh hơn 24,1%, tức 34.000 đồng. Tương tự, BIDV bán 15% vốn thì chênh lệch giá là 24,6%, còn Vietinbank chênh lệch ít hơn nhưng cũng trên 18%.
Bổ sung về những bất cập, ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc bị tước quyền tự quyết room ngoại khiến ngân hàng mất đi nguồn thặng dư vốn cổ phần, hạn chế năng lực tăng trưởng, giảm tỷ lệ an toàn vốn và sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Đây là ngành đặc thù nên việc để nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát lượng lớn cổ phần, theo ông Long, gây bất lợi đến quá trình đồng hành của ngân hàng đối với việc thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước.
"Nhà đầu tư nước ngoài được tự do mua bán cổ phiếu cũng tác động tiêu cực đến quản trị doanh nghiệp, thay đổi định hướng phát triển hoặc gây bất ổn trong cơ cấu cổ đông ngân hàng", ông Long nói, đồng thời đề xuất nhóm soạn thảo Nghị định bổ sung cơ chế trao quyền tự quyết cho các ngân hàng nhằm đảm bảo mục tiêu sử dụng room ngoại như một công cụ tìm kiếm nhà đầu tư dài hạn có cùng tầm nhìn.
Phát biểu tại một hội thảo ngày 21/10, ông Bùi Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, cơ quan này đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để ra quyết định có điều chỉnh như đề xuất của các ngân hàng và chuyên gia hay không. Trước mắt, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn giữ quan điểm mở hết cỡ room ngoại đối với tất cả công ty đại chúng, bao gồm các tổ chức tín dụng, trừ một số ngành nghề mà điều ước quốc tế và pháp luật có quy định khác.
Theo ông Hải, quy định trên đúng luật pháp và phù hợp với các điều ước quốc tế. Việc này nhằm hướng đến sự minh bạch, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể vào thị trường Việt Nam mà không lo ngại những quy định khác biệt của từng doanh nghiệp.
"Điều lệ mỗi công ty quy định khác nhau về room ngoại càng làm trầm trọng thêm sự không minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài", ông Hải nhấn mạnh.
Phương Đông