Chặng đường phát triển chỉ mới bắt đầu
Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng đang là một sân chơi mới chờ được khai phá. Dù thị trường được đánh giá là tiềm năng, nhưng các công ty Fintech vẫn trong giai đoạn trứng nước khi các sản phẩm vẫn còn khá sơ khai, đa số chỉ tập trung vào mảng thanh toán – một phần rất nhỏ trong sân chơi tài chính công nghệ.
Thêm vào đó, người dùng vẫn còn giữ thái độ thận trọng với các sản phẩm và dịch vụ mà công ty Fintech cung cấp, nổi cộm nhất là tính năng bảo mật đặc biệt khi có hàng loạt các sự kiện thông tin khách hàng bị mất cắp hay bị lộ bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại tương tự cho các ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ tài chính, chi tiêu và thanh toán khác.
Hệ thống pháp lý cũng chưa theo kịp đà phát triển của các công ty Fintech và đây cũng cũng là rào cản lớn cho những công ty này. Ví dụ, năm 2009 loại hình ví điện tử đã được cấp phép thí điểm hoạt động, nhưng tới cuối 2015 mới có 4 công ty được cấp phép hoạt động chính thức, cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng.
Thế nhưng, những rào cản trên sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi lĩnh vực này nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, cũng như sự năng động, và nhanh chóng đổi mới của chính các công ty Fintech.
Như một hệ quả tất yếu, các định chế tài chính truyền thống, đặc biệt là ngân hàng – thường được xem là bảo thủ và ít thay đổi sẽ cảm nhận được mối đe dọa từ Fintech. Theo một khảo sát phạm vi toàn cầu mới đây của PwC, 83% định chế tài chính truyền thống lo ngại rằng một phần hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ rơi vào tay công ty công nghệ tài chính. Trong vòng 5 năm tới, 24% thị phần các ngân hàng trong mảng chuyển tiền và thanh toán sẽ rơi vào tay các Fintech, con số này sẽ là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm.
Cạnh tranh hay hợp tác?
Câu hỏi được đặt ra liệu các ngân hàng tại Việt Nam nên làm gì trước xu thế này: Cạnh tranh hay hợp tác để cùng phát triển?
Hiện các xu hướng công nghệ tài chính trên thế giới có 2 mục tiêu chính: thay thế kênh truyền thống bằng cách giảm chi phí, tăng độ tiện dụng, trải nghiệm của khách hàng và khai thác thị trường mới thông qua công nghệ, đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Với thị trường Việt Nam khi tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính của người dân còn rất thấp, nhất là khu vực nông thôn thì phổ cập dịch vụ tài chính sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.
Ông Phan Thanh Sơn cho rằng, ngân hàng vẫn sẽ luôn giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các thành phần kinh tế và cung cấp các dịch vụ và giải pháp tài chính (tiền gửi, cho vay, thanh toán,…) đến từng cá nhân, doanh nghiệp. Ngân hàng với nền tảng khách hàng lớn hiện tại và mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ là một lợi thế cạnh tranh khó có thể san lấp khi việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen chủ yếu của người dân Việt Nam. Thêm vào đó, uy tín cùng khả năng bảo mật vượt trội – điều quan tâm lớn của khách hàng, cũng đặt ngân hàng ở vị trí trung tâm. Ngoài ra, ngân hàng cũng là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế.
Ngay cả trên thế giới hiện nay, một xu hướng đang diễn ra rất mạnh đó là không phải các công ty công nghệ tài chính thay đổi các định chế tài chính, mà ngược lại các định chế tài chính đang thay đổi họ.
"Các công ty công nghệ tài chính và ngân hàng đều sở hữu những thế mạnh riêng biệt và bổ sung cho nhau. Các công ty Fintech sẽ tiếp cận với nguồn khách hàng và được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng sẽ nâng cao được chất lượng dịch vụ và chạm được đến các thị trường ngách đã bị bỏ quên", Phó tổng giám đốc Techcombank chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NextTech cho rằng, không nên đánh đồng Fintech với suy nghĩ đổi mới sáng tạo một cách đơn giản là triển khai Internet banking hay mobile banking với các tiện ích giao dịch điện tử quầy. "Cốt lõi của các tổ chức tài chính ngân hàng vẫn là mô hình hoạt động truyền thống với các ràng buộc pháp lý và tư duy kiểu cũ khiến dịch vụ ngân hàng vẫn nằm trong giới hạn ngoài tầm với của phần lớn dân số... Đây chính là một trong những phân khúc chính của Fintech với thuật ngữ “Financial Inclusion” đang dần trở nên phổ biến", ông Nguyễn Hòa Bình nói, đồng thời cũng nhìn nhận, ở Việt Nam hiện nay bức tranh còn khá đơn điệu với đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Tuy nhiên, chỉ một số ít các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận với một mảng thị trường riêng, trong khi đại đa số còn lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà theo lời một quan chức tại hội thảo gần đây thì “sống bằng tiền nhà đầu tư”.
Ngoài ra còn một số ít ứng dụng trong mảng cho vay tiêu dùng như Mobivi, Mạnh Thường Quân hay DrDong; đánh giá tín dụng như Trusting Social và quản lý tài chính cá nhân như MoneyLover hay xác thực khách hàng điện tử qua chụp ảnh Selfie như Verime… với tổng số công ty thực sự hoạt động mới chỉ đếm trên hai bàn tay.
Chỉ ra nguyên nhân của việc "chưa cởi mở đón nhận làn sóng Fintech", Chủ tịch NextTech cho rằng là do tâm lý e ngại hoặc chưa đủ nhận thức về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với các ứng dụng Fintech “thân thiện” để chống lại các nguy cơ đến từ Fintech, "giống như nhà nông phải tương trợ các sinh vật thiên địch với các loài có hại".
Vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NextTech kiến nghị, Nhà nước cần có quan điểm khuyến khích thí điểm các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng nên tham khảo mô hình Chính phủ kiến tạo của Singapore với phong trào mở các cơ sở dữ liệu hạ tầng quốc gia thông qua các giao diện lập trình API (tại địa chỉ developers.data.gov.sg) để người dân thoả sức sáng tạo ra các ứng dụng tiện ích thay đổi cuộc sống, tương tự thế giới sẽ không thể có Uber nếu chính phủ Mỹ không mở cơ sở dữ liệu bản đồ ta công chúng.
VnExpress