1. Cựu CEO Barclays - Antony Jenkins
Đầu tháng này, Jenkins đã thành lập một doanh nghiệp mới có tên 10X Future Technologies. Mục tiêu của họ là hiện đại hóa công nghệ đang được các ngân hàng sử dụng.
Họ sẽ nghiên cứu một hệ thống ngân hàng cốt lõi dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Hệ thống mới sẽ "giúp các ngân hàng tiếp cận và có cái nhìn sâu hơn về dữ liệu khách hàng, cho phép họ đưa ra các sản phẩm như cho vay thế chấp, thẻ tín dụng, vay vốn, tiết kiệm phù hợp hơn với nhu cầu của từng khách hàng".
Hồi tháng 6, Jenkins cho biết ông kỳ vọng công ty này sẽ giúp mình tiến vào lĩnh vực fintech. Trước đó, ông từng dự báo ngành ngân hàng sẽ đối mặt với "khoảnh khắc Uber" khi các đối thủ đầy sáng tạo liên tục làm chao đảo thị trường.
Jenkins là người đặc biệt hứng thú với công nghệ. Trong thời gian làm việc tại Barclays, ông giám sát việc phát triển nhiều ý tưởng đột phá, như thanh toán bằng séc qua điện thoại di động
Ông cũng từng đề cập đến ảnh hưởng của công nghệ lên ngành ngân hàng. Hồi tháng 5, Jenkins dự báo nửa số chi nhánh nhà băng và việc làm có thể bị cắt giảm trong thập kỷ tới do sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động.
Jenkins làm CEO Barclays từ tháng 9/2012 đến tháng 7/2015. Thời gian này, ông thực hiện một chiến dịch cải thiện hoạt động của Barclays sau scandal thao túng lãi suất Libor.
2. Cựu Giám đốc mảng ngân hàng đầu tư của Barclays - Rich Ricci
Hồi tháng 2, ông đã gia nhập FreemarketFX với vai trò chủ tịch website giao dịch tiền tệ này. Họ đặt cược sự phát triển của các startup fintech sẽ thách thức các dịch vụ tài chính truyền thống.
Với vai trò chủ tịch không điều hành và là nhà đầu tư của freemarketFX, Ricci có nhiệm vụ cung cấp các tầm nhìn chiến lược cho sự tăng trưởng của website. "Tôi cực kỳ hào hứng khi được làm việc cùng đội ngũ lãnh đạo vững mạnh của FreemarketFX và tham gia vào cuộc cách mạng Fintech", Ricci cho biết trong một thông báo.
FreemarketFX thành lập tháng 1/2014 bởi Alex Hunn - cựu nhân viên MF Global và Deutsche Bank. Mục tiêu của họ là giảm chi phí cho các công ty và nhà đầu tư trong việc đổi tiền, bằng cách kết nối người mua và người bán online. Họ tính phí 0,2% cho mỗi giao dịch.
Ricci là nhân viên chủ chốt dưới thời cựu CEO Barclays - Bob Diamond. Ông được cho là kiếm được ít nhất 80 triệu bảng (116 triệu USD) trong 19 năm làm việc tại Barclays.
3. Cựu CEO Citigroup - Vikram Pandit
Từ khi rời Citi năm 2012, ông là một trong những cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư và cố vấn tích cực nhất cho các startup fintech sau khủng hoảng tài chính. Ông là người đổ vốn rất sớm cho nhiều startup fintech tại Mỹ. CommonBond là nền tảng cho sinh viên vay đóng học phí. Họ đã huy động được hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư hồi tháng 9/2013, trong đó có Pandit.
Năm 2013, ông cũng nằm trong nhóm nhà đầu tư rót 2,7 triệu USD cho Orchard Platform - kết nối nhà đầu tư với các nền tảng cho vay trực tuyến. Danh mục fintech của Pandit còn có TransferWise - dịch vụ chuyển tiền toàn cầu và MMKT Exchange - dịch vụ cho vay trực tuyến.
Hồi tháng 5 năm nay, ông thành lập một công ty đầu tư có tên Atairos Group. Công ty này sẽ mua cổ phần kiểm soát trong các hãng dịch vụ tài chính. Mục tiêu của họ là nắm cổ phần lớn trong dài hạn, phổ biến là 10 năm, trong nhiều công ty. Mô hình của hãng sẽ tương tự Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.
4. Cựu CEO Morgan Stanley - John Mack
Ngay sau khi nghỉ việc tại Morgan Stanley năm 2011, Mack đã đổ tiền vào hàng loạt công ty fintech như Lending Club hay Orchard.
Ông là một trong những nhà đầu tư tên tuổi giúp huy động 130 triệu USD năm 2015 cho Dataminr. Công ty này phân tích các công cụ truyền thông xã hội để gửi cảnh báo cho nhà đầu tư. Khi đó, Dataminr được định giá gần 700 triệu USD.
Cùng với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Larry Summers và vài nhà đầu tư nổi tiếng khác, Mack hiện nằm trong hội đồng quản trị Lending Club. 2,4 triệu cổ phiếu của ông trong nền tảng cho vay ngang hàng này được định giá 36 triệu USD khi công ty IPO năm 2014. Tháng 9 năm ngoái, Mack tham gia vào vòng huy động vốn đầu tiên cho NEFT. Công ty này cho phép người vay cập nhật điểm tín dụng theo thời gian thực.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) được Báo VnExpress và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 24/11/2016 tại Hà Nội, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản… và hơn 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong nước và quốc tế. Với hai chủ đề chính năm nay: Giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực công và khả năng liên thông các dịch vụ thanh toán tại Việt Nam và Cơ hội - thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng fintech, diễn đàn thường niên này là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn. |
Hà Thu (theo FT/WSJ)