Bloomberg cho hay Deutsche Bank - ngân hàng lớn nhất nước Đức đang lên kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán sau khi chuyển kênh huy động vốn sang nhà đầu tư từ tháng 4. Trong khi đó, Barclays - nhà băng lớn thứ hai tại Anh - sẽ bán cổ phiếu để tăng vốn và giảm tài sản. BNP Paribas của Pháp và Commerzbank của Đức cũng lần đầu tiên công bố số liệu về vốn cổ phần trên tổng tài sản, sau khi các nhà điều tiết ngày càng quan tâm đến chỉ số này.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã buộc các ngân hàng lớn nhất nước này dọn dẹp bảng cân đối kế toán 8 tháng sau khi Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008. Trong khi đó, giới chức châu Âu vẫn chấp nhận cho các nhà băng duy trì mức vốn thấp để cho vay trong thời kỳ khủng hoảng nợ công.
Emmanuel Hauptmann - giám đốc quản lý quỹ Reyl Asset Management cho biết, các động thái tăng dự trữ và giảm đòn bẩy đã được thực hiện quá muộn. "Đòn bẩy tài chính cao tại các ngân hàng châu Âu khiến họ trở nên kém hấp dẫn so với Mỹ", ông cho biết.
Tài sản của các ngân hàng thương mại Mỹ đã giảm 10% trong hai năm 2009 - 2010. Trong khi đó, khu vực đồng euro chỉ giảm 5% so với mức đỉnh, theo báo cáo hồi tháng 7 của hãng kiểm toán Ernst & Young.
Một lý do khiến các ngân hàng châu Âu đang phải gấp rút củng cố bảng cân đối kế toán là họ bị kiểm soát chặt hơn bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan này sẽ tiếp quản nhiệm vụ giám sát toàn khu vực đồng euro vào năm sau. Trong những tháng tới, ECB sẽ bắt đầu kiểm tra tài sản của các nhà băng lớn. Việc này có thể thúc đẩy quá trình tăng vốn của các ngân hàng khi họ vẫn cần giảm bảng cân đối kế toán thêm 1.500 tỷ euro (2.000 tỷ USD), Ernst & Young dự đoán.
Tại Anh và Thụy Sĩ, các nhà điều tiết cũng theo chân FED khi nhấn mạnh tầm quan trọng của tỷ lệ đòn bẩy. Động thái này đã được các nhà đầu tư rất hoan nghênh. Các nhà băng Anh phải huy động thêm 120 tỷ bảng (185 tỷ USD) vốn mới cho đến năm 2019 để đáp ứng chuẩn Basel III, Ngân hàng trung ương Anh cho biết trong một báo cáo tuần trước.
Martin Hellmich - giáo sư môn quản lý rủi ro và điều tiết tại Trường Quản lý và Tài chính Frankfurt (Đức) nhận xét: "Châu Âu đang có một luồng gió mới. Nhanh chóng đáp ứng tiêu chuẩn sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho các ngân hàng. Thị trường sẽ ủng hộ họ bằng cách rót vào lượng vốn giá rẻ".
Trước khi tăng trưởng với tốc độ 0,3% trong quý II, khu vực đồng euro đã co lại 6 quý liên tiếp, làm giảm lợi nhuận ngân hàng và tăng nợ xấu. Trong khi đó, Mỹ lại tăng trưởng đều đặn hàng quý kể từ quý II/2011.
Các ngân hàng đầu tư của Mỹ cũng đang giành được nhiều thị phần, trong khi nhà băng châu Âu vẫn chật vật với suy thoái kinh tế và áp lực tăng vốn. Tổng doanh thu mảng chứng khoán thuộc các nhà băng hàng đầu tại Mỹ đã tăng 24% trong quý II so với năm ngoái, hơn gấp đôi mức tăng 11% của châu Âu, theo Bloomberg.
Hellmich nhận định nhà băng châu Âu có thể cảm thấy dễ thở hơn nếu đà phục hồi kinh tế được duy trì. "Để bù đắp được tổn thất từ việc giảm tài sản, họ cần phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận thấy điều này ở châu Âu", ông nói.
Thùy Linh