Hôm 4/7, cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đều tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhằm mục tiêu cải thiện tình hình kinh tế ảm đạm tại khu vực này. Chủ tịch ECB - Mario Draghi cho biết lãi suất ở khu vực đồng euro sẽ ở mức thấp như hiện tại thêm một thời gian nữa hoặc thậm chí giảm.
Trong khi đó, Tân thống đốc của BOE - Mark Carney tuyên bố việc thị trường dự báo lãi suất tại Anh sẽ tăng vào năm 2015 là "không đảm bảo". Những thông tin này thể hiện quan điểm tiếp tục nơi lỏng tại châu Âu và Anh, trái ngược với Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi cho biết có thể giảm quy mô gói kích thích tiền tệ (QE3) vào cuối năm.
Lãi suất cơ bản tại châu Âu đã bị cắt giảm xuống còn 0,5% trong tháng 5 và lãi suất tiền gửi hiện cũng chỉ là 0%. Còn lãi suất cơ bản tại Anh hiện là 0,5%.
Đồng euro hôm 4/7 đã giảm 1% và bảng Anh cũng mất 1,3% so với USD, xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2013. Cổ phiếu châu Âu cũng phản ứng tích cực trước những cam kết về chính sách tiền tệ khi tăng tới 3,1%. Đây là mức tăng ngày mạnh nhất trong vòng hơn một tháng qua.
Ned Rumpeltin - Giám đốc chiến lược ngoại hối G10 tại Standard Chartered, cho rằng: "Cả ECB và BOE đang cố gắng bù đắp các ảnh hưởng từ chính sách của Fed". Còn David Lloyd - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại M&G Investments nhận định: "Biến động trên thị trường tài chính gần đây xuất phát từ các tuyên bố của FED về QE3. Còn ECB và BOE thì muốn thị trường trấn tĩnh lại. Họ đã thấy lãi suất trái phiếu tăng lên và ngay lập tức đưa ra giải pháp".
Lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Đức giảm còn 1,6% ngày 4/7. Ngay cả lãi suất tại các nước rủi ro hơn như Tây Ban Nha và Italy cũng đi xuống. Tín hiệu tích cực từ ECB cũng phần nào ngăn đà tăng lãi suất trái phiếu tại Bồ Đào Nha, khi nước này lâm vào khủng hoảng chính trị suốt một tuần nay.
Lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của nước này chỉ còn 7,32% ngày 4/7. Bồ Đào Nha hiện là tâm điểm chú ý của châu Âu khi khủng hoảng chính trị lại làm dấy lên lo ngại về tình hình kinh tế ảm đạm tại Nam Âu và khủng hoảng nợ công nói chung.
Lê Anh