Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại khi người dân di chuyển trên diện rộng, đặc biệt tới các vùng nông thôn - nơi xét nghiệm hạn chế, một số người không tuân thủ quy định kiểm dịch và các biện pháp y tế công cộng khác. Giới chức yêu cầu những người đi tới các vùng nông thôn trong kỳ nghỉ đầu năm phải cách ly hai tuần, trả tiền cho các xét nghiệm nCoV. Nhiều người với kinh tế eo hẹp nói rằng những hạn chế đó khiến họ không thể về quê ăn Tết.
Việc chính phủ áp dụng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt bị chỉ trích là không công bằng với những người lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn. Nhiều người cho biết họ chỉ có một kỳ nghỉ đầu năm để về thăm nhà, các gia đình đã không được đoàn tụ từ Tết Nguyên đán năm ngoái, kể từ khi Covid-19 bùng phát. Năm nay, nhiều người đang lên kế hoạch nghỉ lễ một mình.
Zhu Xiaomei, 40 tuổi, làm việc tại một cửa hàng vải ở phía đông thành phố Hàng Châu, là một ví dụ. Mọi năm, cô thường ngồi 30 tiếng tàu hỏa để về với gia đình ở Tứ Xuyên. Năm nay là lần đầu cô phải đón năm mới một mình, trong căn phòng ký túc xá rộng hơn 12m2 không có bếp. "Tất nhiên là có chút buồn bực. Tôi chưa từng trải qua cảm giác này", Zhu nói.
Vào mỗi mùa đông, Pang Qingguo, 31 tuổi, bán trái cây ở miền bắc Trung Quốc, lại vượt gần 1.300 km về Hắc Long Giang để thăm phần mộ tổ tiên, đón Tết Nguyên đán. Nhưng Covid-19 phá hỏng kỳ nghỉ Tết vào năm 2020, Pang bị mắc kẹt ở thành phố Đường Sơn khi nhiều thành phố áp lệnh phong tỏa. Một lần nữa, Pang phải thất vọng vì tình hình hiện tại khi Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại. Hơn một năm qua, Pang chưa gặp cô con gái 7 tuổi đang ở quê nhà đợi cha. "Tôi thực sự rất nhớ con bé. Nhưng tôi chẳng thể làm gì", Pang nói.
Zhu hay Pang chỉ là vài người trong khoảng 300 triệu lao động của Trung Quốc phải chịu cảnh ăn Tết xa nhà, khi chính phủ cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong thời gian thường là mùa du lịch bận rộn nhất trong năm.
Để xoa dịu cơn tức giận của những người lao động trước các lệnh hạn chế, chính phủ Trung Quốc cố gắng tặng bánh kẹo, giỏ quà, tổ chức những hoạt động giải trí và chương trình giảm giá mua hàng... để khuyến khích người dân "đang ở đâu, ở yên đó".
Tại Thượng Hải, các quan chức có kế hoạch thanh toán tiền điện thoại và hóa đơn y tế cho những người không về nhà ăn Tết. Trong khi các nhà chức trách Bắc Kinh khuyến khích các công ty trả lương cho nhân viên làm thêm giờ, người giúp việc trong các gia đình sẽ nhận khoảng 60 USD nếu làm xuyên Tết. Tại Thiên Tân, chính quyền hứa trợ cấp cho các doanh nghiệp có công nhân ở lại thành phố trong kỳ nghỉ.
Trước kỳ nghỉ lễ, chính phủ nước này cũng tuyên truyền nhằm thuyết phục người dân tránh di chuyển dịp này. Các biểu ngữ lớn màu đỏ được treo khắp đường phố, với nội dung kêu gọi lòng hiếu thảo hay biểu dương hành vi của những công dân kiểu mẫu, như: "Đeo khẩu trang hay máy thở? Hãy chọn một trong hai"; "Nếu mang theo bệnh tật về nhà lây cho bố mẹ, bạn thật không có lương tâm"...
Anh Minh (Theo New York Times)