"Với tuyên bố của mình, tướng Votel không chỉ làm mất uy tín của một tư lệnh, mà còn cho thấy tính bất hợp pháp trong sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria theo luật quốc tế", thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố hôm 24/7 về bình luận mới đây của Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ Joseph Votel.
Tướng Votel trước đó tuyên bố Lầu Năm Góc không sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc phối hợp với quân đội Nga ở Syria để giải quyết vấn đề đưa người tị nạn hồi hương, vì cho rằng Moskva vẫn "tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad", theo Newsweek.
Yêu cầu phối hợp về vấn đề nhân đạo này được Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 16/7 ở Helsinki.
Nga cho rằng quân đội Mỹ cần phải tôn trọng yêu cầu của Tổng thống Trump, nếu không lực lượng quân sự Mỹ sẽ không có "cơ sở pháp lý" để hoạt động ở Syria.
"Họ chỉ có một lựa chọn là hợp tác với Nga và lãnh đạo hợp pháp của Syria nhằm hỗ trợ đưa người tị nạn trở về nhà", Konashenkov nói. "Nếu từ chối đề nghị này, Mỹ chỉ còn cách ngừng can thiệp vào tiến trình hòa bình và nhanh chóng rút quân khỏi lãnh thổ Syria".
Mỹ phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria với cái cớ tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, khi IS gần như đã bị xóa sổ ở quốc gia này, cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria ngày càng yếu. Nga cũng tham gia vào cuộc chiến chống IS, nhưng họ nhận được đề nghị hỗ trợ từ chính phủ hợp pháp của Syria.
Sự sụp đổ của IS và các nhóm nổi dậy trên toàn lãnh thổ Syria gần đây đã mở đường cho giải pháp hòa bình tại quốc gia chìm đắm trong xung đột suốt 7 năm qua. Tuyên bố hợp tác với Putin tại Syria của Trump sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki thắp lên hy vọng rằng hai lãnh đạo có thể thực hiện các bước tiếp theo nhằm kết thúc cuộc chiến này.
Ánh Ngọc