"Theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm chính thức Nga trong vài ngày tới", Điện Kremlin hôm nay ra thông cáo cho hay. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ năm 2019.
Đài YTN của Hàn Quốc hôm nay dẫn nguồn thạo tin cho hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khởi hành từ Bình Nhưỡng đến biên giới đông bắc Triều Tiên trên chuyến tàu đặc biệt để đến Nga dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc họp có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 12/9.
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin ông Kim dự kiến thăm Vladivostok ở vùng Viễn Đông.
Lần gần nhất ông Kim công du cũng là đến Vladivostok gặp Tổng thống Putin năm 2019, sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại.
Tuần trước, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Adrienne Watson trích thông tin tình báo, cho rằng ông Putin và ông Kim có thể sẽ thảo luận về thỏa thuận quân sự, trong khi chiến sự Ukraine làm tiêu hao kho vũ khí của Moskva.
Theo Nhà Trắng, ông Putin đang kỳ vọng ông Kim đồng ý gửi đạn pháo và tên lửa chống tăng cho Moskva, trong khi Nga có thể cấp cho Triều Tiên công nghệ vệ tinh tiên tiến và tàu ngầm hạt nhân. Ông Kim cũng được cho là đang tìm kiếm viện trợ lương thực.
Triều Tiên chưa bình luận về thông tin chuyến thăm.
Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên đã cung cấp tên lửa và rocket cho Nga từ năm ngoái, thêm rằng số vũ khí này được phân bổ cho tập đoàn Wagner sử dụng. Trong khi đó, Triều Tiên và Nga nhiều lần bác cáo buộc. Giới chức Nga gọi đây là tin giả, trong khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ cố gắng bôi nhọ hình ảnh của họ bằng cách "vẽ ra những thứ không tồn tại".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Bình Nhưỡng đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Moskva. Triều Tiên nhiều lần công khai ủng hộ Nga tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh rằng "chính sách bá quyền và độc đoán" của Mỹ và các đồng minh phương Tây là nguyên nhân dẫn đến chiến sự.
Ông Kim ngày 14/8 gửi thư cho Tổng thống Putin nhân dịp kỷ niệm 78 năm chấm dứt thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, bày tỏ mong muốn quan hệ song phương phát triển thành "quan hệ chiến lược lâu dài phù hợp với nhu cầu của thời đại mới". Trong thư hồi đáp, ông Putin cũng khẳng định sẽ tăng cường quan hệ song phương với Triều Tiên.
Đức Trung (Theo Reuters, Japan Times)