"Các hạn chế đã được hai bên nhất trí về tên lửa hạt nhân sẽ tiếp tục được thực hiện đầy đủ", thiếu tướng Yevgeny Ilyin, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quân sự Quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, ngày 22/2 phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).
Tướng Ilyin cho hay Nga cũng sẽ tiếp tục thông báo cho Mỹ về những thay đổi trong triển khai vũ khí hạt nhân, nhằm "ngăn báo động nhầm, vốn rất quan trọng trong duy trì ổn định chiến lược".
Tuyên bố được ông Ilyin đưa ra khi lưỡng viện quốc hội Nga trong phiên họp ngày 22/2 đã thông qua dự luật đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington.
Dự luật sẽ được chuyển tới Điện Kremlin và có hiệu lực sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký duyệt. Nội dung dự luật có điều khoản quy định việc Moskva quay lại New START sẽ hoàn toàn do Tổng thống Nga quyết định.
"Tôi không cho rằng quyết định đình chỉ hiệp ước sẽ đưa chúng ta đến gần chiến tranh hạt nhân hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama.
New START có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
Hai bên cũng phải thông báo chi tiết số lượng, địa điểm và đặc điểm kỹ thuật của vũ khí hạt nhân cho nhau. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Moskva - Washington đã trao đổi hơn 25.000 thông báo kể từ khi hiệp ước có hiệu lực.
Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Khi thông báo đình chỉ tham gia New START hôm 21/2, Tổng thống Putin giải thích rằng hiệp ước này là di sản của thời kỳ Nga - Mỹ không coi nhau là đối thủ, đồng thời nói sẵn sàng nối thảo luận khi hai bên nhất trí đưa Anh, Pháp vào khuôn khổ hiệp ước.
Giới phân tích cho rằng kịch bản New START sụp đổ hoặc không thể gia hạn năm 2026 có thể tạo một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Đức Trung (Theo Reuters, RIA Novosti, Interfax)