"Tất cả vùng lãnh thổ đó đều là những phần không thể xâm phạm của Nga và đều được bảo vệ với cấp độ an ninh tương tự các phần còn lại của đất nước", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời phóng viên hôm nay, khi được hỏi liệu 4 tỉnh Ukraine mà Moskva vừa sáp nhập có được bảo vệ bằng "ô hạt nhân" hay không.
"Ô hạt nhân" là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hoặc các đồng minh bằng những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ 4 tỉnh Ukraine mà họ vừa sáp nhập. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cảnh báo Moskva sẵn sàng sử dụng "các loại vũ khí có mức độ hủy diệt khác nhau" nếu cần thiết để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ" Nga, nhưng không nêu cụ thể 4 tỉnh này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/10 cho biết lời đe dọa của ông Putin đã đưa thế giới tiến gần "ngày tận thế" hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi nhiều người lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Gần 8 tháng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, một số nhà phân tích cho rằng khả năng ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân đã gia tăng sau khi quân Nga chứng kiến nhiều bước lùi trên chiến trường. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh của ông Putin, cảnh báo phương Tây không nên dồn Nga vào chân tường.
Một số nhà phân tích khác nói nguy cơ hạt nhân đã bị phóng đại quá mức, cho rằng Nga sẽ "lợi bất cập hại" nếu leo thang theo hướng này.
Tướng Eirik Kristoffersen, người đứng đầu lực lượng vũ trang Na Uy, cho biết phương Tây nên lắng nghe cẩn thận những gì ông Putin nói về vũ khí hạt nhân, nhưng tin ông Putin "không có lý do gì để sử dụng vũ khí hạt nhân" và chúng chỉ nhằm mục đích đe dọa.
NATO tuần này tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân và cho rằng Nga cũng sắp tổ chức các hoạt động tương tự. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết không có thông tin về cuộc tập trận hạt nhân như vậy của quân đội Nga.
Tổng thống Nga tháng trước tuyên bố các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập sẽ là một phần của nước này "mãi mãi". Tuy nhiên, Nga không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ tỉnh nào trong số 4 khu vực trên và chưa xác định biên giới mới. Động thái sáp nhập đã vấp chỉ trích gay gắt từ Ukraine, các đồng minh phương Tây và đa số thành viên trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nga đang mất lợi thế ở 4 khu vực mới sáp nhập, song ông Peskov cho biết Moskva đang tiếp tục quá trình tích hợp 4 tỉnh vào hệ thống pháp lý, kinh tế và an ninh của nước này.
Thanh Tâm (Theo Reuters)